Một “gia đình thủy tinh” cần sự giúp đỡ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo giới thiệu của anh Đoàn Văn Hùng- cán bộ phụ trách Thương binh-Xã hội phường Nguyễn Trãi (TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum), chúng tôi tìm đến ngôi nhà mà bà con nơi đây quen gọi là “gia đình thủy tinh” ở tại tổ 5, phường Nguyễn Trãi (TP. Kon Tum). Đó là gia đình của anh chị Võ Tấn Thành (42 tuổi), vợ Trần Thị Liên (39 tuổi), cùng 3 người con là cháu Võ Thị Thanh Thảo (18 tuổi), cháu Võ Hoài Anh Thi (16 tuổi) và cháu Võ Minh Thiện (14 tuổi). Một gia đình có 5 người nhưng đã có đến 4 người mắc căn bệnh “xương thủy tinh” quái ác, trừ anh Võ Tấn Thành.

Trong ngôi nhà cấp 4 được xây bằng gạch tuềnh toàng, thấp lè tè, chị Liên nước mắt ngắn dài cho biết, vì vợ con tật nguyền nên ngày nào chồng chị cũng vất vả với công việc làm thuê cuốc mướn để kiếm miếng ăn qua ngày. Còn 4 mẹ con chị dù bệnh tật cũng cố dìu dắt nhau tự lo cơm nước, đưa nhau đến trường để sau này khi anh chị chết đi chúng còn có cái nghề nuôi thân.

 

Chị Liên cùng với hai con Thi và Thiện. Ảnh: D.T
Chị Liên cùng với hai con Thi và Thiện. Ảnh: D.T

Ngồi nói chuyện tâm tình, nhìn 3 mẹ con chị Liên mà chúng tôi không kìm được nước mắt. Ở cái tuổi 39 và đã làm mẹ 3 đứa con nhưng chị Liên chỉ cao vỏn vẹn gần 1 mét. Nguyên nhân, theo các bác sĩ xác định đó là do căn bệnh quái ác “xương thủy tinh” đã làm chị ngày càng thấp dần đi. Không chỉ có chị mà cả 3 đứa con dù đã 17-18 tuổi vẫn có hình hài như trẻ con.

Trong tiếng nấc, chị Liên đã kể về cuộc đời đầy sóng gió của gia đình mình. Chị sinh ra, lớn lên như bao người khác, rồi quen anh Thành và cùng nhau lập gia đình. Khoảng năm 1998, lúc chị sinh cháu út Võ Minh Thiện, một lần chị vô tình bị ngã và khi đi khám tại Bệnh viện Quân y 211 tại Gia Lai, các bác sĩ cho biết chị bị căn bệnh mục xương-hay còn gọi bệnh xương thủy tinh (tức là không thể khoan để bắt vít vào xương được vì xương bị bể, chỉ có thể bó bột để giữ xương thôi-P.V). Lần đó chị phải nằm im một chỗ mấy tháng liền; đến khi xương lành lặn, chị lại phải lao động để cùng chồng nuôi con. Tuy nhiên, càng ngày lưng chị còng hẳn xuống và cơ thể thì cứ rút lại dần.

Căn bệnh quái ác ấy không chỉ hành hạ trên thân xác của người mẹ mà hành hạ cả 3 đứa con của chị. Trong cả 3 đứa con của chị thì cháu Võ Hoài Anh Thi bị gãy xương đến 4 lần; tất cả đều gãy xương đùi, hết đùi trái rồi lại đến đùi phải. Cứ mỗi lần như vậy, Thi phải bó bột hàng tháng trời vì xương của em quá mục nên các bác sĩ không thể bắt đinh, vít xương như người thông thường. Còn cháu đầu (cháu Thảo) và cậu con trai út (cháu Thiện) dù rất cẩn trọng nhưng cũng đến mấy lần bị gãy xương. Đặc biệt, cháu Thiện trong một lần bị gãy xương chân, do chỗ bị gãy gần cổ chân phải nên chân bị teo lại, đến giờ vẫn không thể đi lại được.

Cô Phạm Thị Hòa- Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du cho biết: Dù mắc bệnh hiểm nghèo, nhưng cả 3 chị em vẫn không từ bỏ niềm đam mê được đến trường. Ròng rã những năm qua, ba chị em đến trường hoặc trong sự cố gắng tột cùng của bản thân (như em Thảo); hoặc nhờ các bạn cõng đến lớp hoặc được mẹ chở bằng xe đạp... Trong trường, cô giáo căn dặn các bạn giúp đỡ và tránh va chạm với các em... vì chỉ cần vấp nhẹ là chân các em bị gãy.

Còn anh Đoàn Văn Hùng, cán bộ phụ trách Thương binh-Xã hội phường Nguyễn Trãi cho biết, nhà chị Liên nằm trong số gia đình nghèo của phường. Tất cả các hoạt động từ thiện nào phường cũng quan tâm đến gia đình chị và các cháu. Hiện tại, 3 cháu mỗi tháng được trợ cấp 180.000 đồng/cháu theo Nghị định 67/CP của Chính phủ.

Hiện cháu Thảo đang học lớp 12 Trường THPT Lê Lợi, hàng ngày phải đi bộ 5 cây số để đến trường; cháu Thi mặc dù đã 16 tuổi nhưng đang học lớp 8 và cháu Thiện do bị liệt hai chân nên không thể đến trường được. Chị Liên tâm sự, hai vợ chồng rất lo rồi mai đây khi ba mẹ mất đi các con sẽ sống ra sao. Do đó anh chị cố gắng cho các con học hành để sau này tự nuôi bản thân. Cháu Thảo có năng khiếu vẽ, mong muốn sau này sẽ theo nghề vẽ tranh (vừa rồi cháu tham gia vẽ tranh tự chọn chủ đề, cháu đã đạt giải cao cấp tỉnh với bức tranh “Đồng quê”); còn cháu Thi tâm sự sẽ cố gắng học để sau này sống bằng nghề vi tính.

Ước mơ của các cháu là vậy, nhưng trở thành hiện thực hay không là cả quá trình, trong đó sự quan tâm của chính quyền địa phương, của xã hội là rất quan trọng. Do đó, bài viết này mong muốn có được sự quan tâm giúp đỡ của quý độc giả để “gia đình thủy tinh” vượt qua căn bệnh hiểm nghèo này, vươn lên trong cuộc sống.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về Tòa soạn báo Gia Lai hoặc gia đình anh, chị Võ Tấn Thành và Trần Thị Liên, tổ 5, phường Nguyễn Trãi, TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum.

Duy Tân

Có thể bạn quan tâm