Văn hóa

340 phụ nữ Gia Lai trình diễn “Áo dài Việt-hương sắc Tây Nguyên”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Tối 7-3, tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku), Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Gia Lai tổ chức chương trình trình diễn, đồng diễn áo dài với chủ đề “Áo dài Việt-hương sắc Tây Nguyên”.

Sự kiện là điểm nhấn trong chuỗi hoạt động của các cấp hội hướng tới kỷ niệm 1983 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, 113 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1910-8/3/2023) và 48 năm Ngày giải phóng tỉnh Gia Lai (17/3/1975-17/3/2023).

Đến dự có các đồng chí: Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Gia Lai; Nguyễn Thị Thanh Lịch-Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; cán bộ, hội viên, phụ nữ đến từ các huyện, thị xã, thành phố và đông đảo người dân.

Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh dự chương trình. Ảnh: Minh Châu

Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh dự chương trình. Ảnh: Minh Châu

Mở đầu chương trình, bà Rơ Chăm H’Hồng-Chủ tịch Hội LHPN tỉnh đã ôn lại lịch sử hình thành và phát triển của áo dài truyền thống-di sản văn hóa Việt Nam, được cộng đồng các dân tộc gìn giữ và không ngừng phát huy giá trị.

Tại Gia Lai, vùng đất An Khê là nơi được cho là xuất hiện những bộ áo dài sớm nhất cùng với sự có mặt của nhóm người Việt đầu tiên từ đồng bằng di cư lên vùng đất Tây Sơn Thượng đạo. Ngày nay, áo dài không chỉ được may bằng các chất liệu phổ biến như lụa, tơ tằm mà còn được biến tấu hài hoà trên nền nhiều chất liệu khác nhau, nhất là có sự xuất hiện hoa văn và thổ cẩm của các dân tộc Tây Nguyên.

Những nữ nghệ nhân Bahnar, Jrai đã tạo nên những giá trị độc đáo, riêng có cho thổ cẩm. Trên chất liệu này, nhiều nhà may, thiết kế thời trang đã khéo léo đưa họa tiết, chất liệu thổ cẩm lên tà áo dài, làm nổi bật hoa văn truyền thống của dân tộc một cách sống động trên trang phục dân tộc.

Các thí sinh trình diễn áo dài thổ cẩm. Ảnh: Minh Châu

Các thí sinh trình diễn áo dài thổ cẩm. Ảnh: Minh Châu

Áo dài và thổ cẩm đều mang bản sắc văn hóa với lịch sử hình thành và phát triển lâu đời. Với ý nghĩa tôn vinh áo dài Việt, tôn vinh thổ cẩm Tây Nguyên, 40 hội viên phụ nữ đến từ 17 huyện, thị xã, thành phố và Hội Phụ nữ các đơn vị lực lượng vũ trang đã có phần trình diễn áo dài ấn tượng trong chương trình. Những gương mặt hội viên đại diện cho phụ nữ toàn tỉnh đã có màn trình diễn áo dài truyền thống và áo dài có kết hợp với thổ cẩm duyên dáng, lan tỏa vẻ đẹp, hình tượng người phụ nữ Việt trong tà áo dài, đồng thời tôn vinh bản sắc của các dân tộc Tây Nguyên.

Ban tổ chức đã bình chọn và trao 3 danh hiệu: hội viên trình diễn áo dài truyền thống đẹp nhất trao cho chị Trương Thị Kim Nhung (huyện Kông Chro); trang phục áo dài thổ cẩm đặc sắc nhất trao cho chị Đinh Thị Oai (dân tộc Banar, huyện Kbang), hội viên có phong cách trình diễn ấn tượng nhất trao cho chị Nguyễn Thị Phương Thúy (Hội Phụ nữ Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh).

Lãnh đạo tỉnh tặng hoa cho thí sinh đạt các danh hiệu trong phần trình diễn áo dài. Ảnh: Minh Châu

Lãnh đạo tỉnh tặng hoa cho thí sinh đạt các danh hiệu trong phần trình diễn áo dài. Ảnh: Minh Châu

Kết thúc chương trình, 340 hội viên phụ nữ của TP. Pleiku và huyện Chư Sê đồng diễn áo dài trước tượng đài Bác Hồ trên nền nhạc 2 ca khúc “Hãy đến với con người Việt Nam tôi” và “Xinh tươi Việt Nam”. Hoạt động nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; triển khai chương trình dân vũ, thể dục, thể thao quần chúng trong hội viên, phụ nữ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI, hướng tới xây dựng hình ảnh người phụ nữ Gia Lai thời kỳ mới có sức khỏe để thực hiện tốt trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước.

Phụ nữ Gia Lai đồng diễn áo dài. Ảnh: Minh Châu

Phụ nữ Gia Lai đồng diễn áo dài. Ảnh: Minh Châu

Chủ tịch Hội LHPN Rơ Chăm H’Hồng cho biết: “Sự kiện một lần nữa khẳng định giá trị văn hóa truyền thống của áo dài trong đời sống đương đại; đồng thời khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm gìn giữ áo dài-di sản văn hóa Việt Nam nói chung và giá trị văn hóa truyền thống thổ cẩm của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói riêng trong cán bộ, hội viên phụ nữ.

Tôi hy vọng phụ nữ Gia Lai sẽ cùng với phụ nữ cả nước gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc qua hình ảnh chiếc áo dài, đồng thời phát huy khả năng sáng tạo để vừa tôn vinh trang phục truyền thống của người phụ nữ Việt Nam vừa tôn vinh sắc màu thổ cẩm nét đặc trưng của các dân tộc Tây Nguyên”.

Có thể bạn quan tâm