Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

4 vị tướng vừa bị kỷ luật Đảng sẽ tiếp tục chịu kỷ luật?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Tại kỳ họp thứ 32, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (KTTƯ) đã thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với 4 vị tướng, vậy sau kỷ luật Đảng những người này còn xem xét xử lý về hành chính?
 
Kỳ họp thứ 32 của Ủy ban KTTƯ đã thi hành kỷ luật đối với 4 vị tướng (ảnh ubkttw.vn).
Tại kỳ họp thứ 32, Ủy ban KTTƯ đã thi hành kỷ luật cảnh đối với Trung tướng Nguyễn Công Sơn, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát; Trung tướng Nguyễn Văn Ba, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an; Thiếu tướng Lê Đình Nhường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, nguyên Đảng ủy viên, nguyên Chánh Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra vì liên quan đến việc để xảy ra vụ đánh bạc nghìn tỷ qua mạng internet (vụ ông Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa) diễn ra trong thời gian dài.
Còn trường hợp Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, theo Ủy ban KTTƯ,  trong thời gian giữ chức vụ Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế (từ tháng 04.2005 – 01.2012) ông này đã có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong tham mưu và thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Nam Đông - A Lưới, dẫn đến công trình kém chất lượng, nhiều đoạn đường bị hư hỏng nặng, không sử dụng được, gây thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, quân đội và cá nhân ông.
Uỷ ban KTTƯ đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa.
Như vậy trong 4 vị tướng bị kỷ luật nêu trên có 2 người hiện đang là đại biểu Quốc hội, cùng công tác tại Ủy ban Quốc phòng và An ninh.
Trao đổi với PV, một Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết: Những trường hợp nêu trên sau khi bị kỷ luật Đảng sẽ tiếp tục bị xem xét xử lý về mặt hành chính. Vị Ủy viên này dẫn chiếu, theo Quy định 30/2016 Thi hành chương VII và VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng nêu rõ:
Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể hoặc việc xử lý bằng pháp luật và ngược lại. Tổ chức Đảng sau khi xem xét, xử lý hoặc chỉ đạo việc xem xét, xử lý về kỷ luật đảng, phải chỉ đạo hoặc đề nghị ngay với các tổ chức có trách nhiệm xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính, đoàn thể hoặc xử lý hình sự cho đồng bộ, kịp thời.
Đối chiếu với những trường hợp bị xử lý kỷ luật gần đây, thông thường mức thi hành kỷ luật của Đảng đối với người đó thế nào thì mức xử lý kỷ luật hành chính cũng tương đương. Như trường hợp ông Nguyễn Bắc Son bị Ban Chấp hành Trung ương kỷ luật bằng hình thức cách chức Uỷ viên Trung ương Đảng khoá XI và Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2011-2016, sau đó ông bị Thủ tướng Chính phủ thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2011 -2016; trường hợp ông Lê Mạnh Hà, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ bị Ủy ban KTTƯ thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách vì liên quan vụ Mobifone mua AVG, sau đó ông cũng bị Thủ tướng thi hành kỷ luật khiển trách.
Theo quy định của Luật Công an nhân dân hiện hành, chức vụ Phó Tổng cục trưởng là do Bộ trưởng Bộ Công an bổ nhiệm. Còn theo Luật tổ chức Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền phê chuẩn chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban và Ủy viên Thường trực các Ủy ban của Quốc hội. Về nguyên tắc ai bổ nhiệm, phê chuẩn chức vụ nào sẽ thi hành kỷ luật hành chính chức vụ đó.
Lương Kết  (Dân Việt) 

Có thể bạn quan tâm