( GLO)- Bộ Nội vụ vừa phối hợp với Ủy ban pháp luật của Quốc hội ( QH) tổ chức cuộc họp với đại diện Uỷ ban MTTQ Việt Nam và các cơ quan, tổ chức liên quan để cho ý kiến về dự thảo Luật thực thi dân chủ ở cơ sở trước khi trình QH thông qua tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10 tới.
Tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ Mặt trận và Thanh tra nhân dân cơ sở ở Kông chro. Ảnh: Lê Đại
Quá trình xây dựng, dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở ban đầu có 7 chương, 74 điều. Trong quá trình chuẩn bị, các cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị, nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của đại biểu QH; đồng thời tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị, tham vấn, qua đó tiếp thu nhiều đóng góp giá trị.
Sau quá trình bổ sung, chỉnh lý, dự thảo mới của Luật có 6 chương, 92 điều. Với cuộc họp lần này, cơ quan soạn thảo nhận thức cần thiết tranh thủ ý kiến của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức CT-XH, các cơ quan liên quan, trước khi trình kỳ họp QH vào tháng 10/2022.
Nhiều ý kiến tại cuộc họp cho rằng, việc thành lập Ban thanh tra nhân dân ở các xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước là cần thiết. Tuy nhiên cần đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện quy chế dân chủ trong các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Đẩy mạnh hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng, khắc phục hạn chế, hình thức; nâng cao vai trò nêu gương của cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên. Ủy ban thường vụ QH nhất trí cao với phương án đang thể hiện trong dự thảo Luật là thành lập Ban thanh tra nhân dân ở tất cả các loại hình cơ sở.
TS ( từ Cổng TTĐT Quốc hội, TTXVN online)