Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa có cuộc họp với các bên liên quan về đẩy nhanh tiến độ dự án thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng (ETC). Cuộc họp được tổ chức ngay sau khi ông Thể báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và tự nhận hình thức “nghiêm khắc phê bình, rút kinh nghiệm” về việc không đảm bảo tiến độ triển khai hệ thống.
Trạm thu phí cầu Phú Mỹ (TPHCM) đã áp dụng thu phí tự động không dừng
Tại cuộc họp, người đứng đầu ngành giao thông yêu cầu các đơn vị phải nỗ lực để hoàn thành dự án ETC trong năm 2020. Đây không phải lần đầu Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể hạ quyết tâm hoàn thành dự án này. Trước đó, vào giữa tháng 8-2019, tại phiên chất vấn của UBTVQH, ông Thể đã khẳng định, đến hết ngày 31-12-2019, tất cả các trạm đều phải áp dụng thu phí không dừng, trạm nào không đáp ứng tiến độ sẽ bị tạm dừng thu phí. Quyết tâm là vậy nhưng dự án ETC vẫn lỗi hẹn, đồng nghĩa với việc những bức xúc của dư luận về sự thiếu minh bạch trong thu phí hoàn vốn các dự án BOT tiếp tục kéo dài thêm. Dường như những khó khăn của dự án càng gỡ lại càng rối, nhất là những vấn đề liên quan đến mâu thuẫn về lợi ích giữa các bên và nguồn vốn triển khai. Kết quả là, cho đến nay, toàn quốc có 39/93 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ và cao tốc, được lắp đặt vận hành từ 2-6 làn ETC. Đặc biệt, số lượng xe dán tem thu phí không dừng mới đạt gần 900.000 xe, quá thấp so với tổng lượng 3,5 triệu xe đang lưu hành.
Ở giai đoạn 2, dự án vẫn tiếp tục vướng mắc khi nhà đầu tư là Tập đoàn Viettel chưa được Bộ Quốc phòng chấp thuận để hoàn thiện thủ tục lập doanh nghiệp dự án. Việc đàm phán với các nhà đầu tư BOT để triển khai thực hiện các trạm còn lại vẫn còn đang bỏ ngỏ. Tuy nhiên, tín hiệu khả quan được Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đưa ra là, những vướng mắc sẽ được giải quyết sau khi nhiều nội dung trong Quyết định 07 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu phí ETC được sửa đổi ngay trong tháng 6 này. Theo đó, thay vì bắt buộc tất cả các làn ETC, mỗi trạm thu phí sẽ duy trì một làn hỗn hợp mỗi chiều cho xe chưa kịp dán thẻ hay nạp tiền lưu thông, đến khi đủ điều kiện sẽ chuyển toàn bộ các làn sang hình thức ETC. Các xe không dán thẻ đi vào làn ETC sẽ bị phạt theo quy định hiện hành.
Để tháo gỡ khó khăn tài chính cho dự án, Bộ GTVT đề xuất bổ sung quy định, trong trường hợp việc trích chi phí cho dự án thu phí không dừng không đảm bảo phương án tài chính, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ xem xét, quyết định việc tiếp tục thu phí tại một số trạm sau khi hết thời gian thu phí hoàn vốn cho các dự án để hoàn vốn cho dự án ETC. Đặc biệt, nhà đầu tư dự án BOT và đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động được thỏa thuận về đơn vị quản lý trạm thu phí, thay vì bắt buộc nhà đầu tư dự án BOT phải chuyển giao quyền quản lý, vận hành cho đơn vị thu phí tự động. Bộ GTVT cũng đề nghị bổ sung quy định chế tài, bao gồm cả việc dừng thu phí đối với trạm BOT không thực hiện việc triển khai ETC đúng tiến độ yêu cầu, bổ sung trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong việc phối hợp, hướng dẫn các nghiệp vụ liên quan đến thanh toán điện tử liên ngân hàng. Bộ trưởng Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức cuộc họp với lãnh đạo Bộ Quốc phòng để gỡ nút thắt tiến độ. Trong trường hợp cần thiết, Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những vướng mắc tại dự án.
Như vậy, đến thời điểm này, lộ trình, giải pháp, quyết tâm… cho dự án ETC đều đã được nâng cấp, nhưng để thực hiện được cũng không hề đơn giản, bởi người đứng đầu ngành giao thông chỉ còn 6 tháng để hoàn thành lời hứa.
MINH DUY (SGGPO)