7 loại thực phẩm tăng nguy cơ ung thư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bệnh ung thư cho đến nay kết quả điều trị vẫn chưa thực sự khả quan. Trên con đường đi tìm phương pháp điều trị căn bệnh nan y này, các nhà khoa học cũng tìm hiểu xem những nguyên nhân nào đã dẫn tới sự biến đổi phân chia các tế bào bất thường như vậy.

Câu trả lời là, ngoài các tác nhân vật lý, hóa chất, môi trường, vi sinh vật, căng thẳng, cảm xúc... thì chế độ dinh dưỡng cũng là một trong những thủ phạm hàng đầu dẫn tới căn bệnh chết người này.

Từ những nghiên cứu, các nhà khoa học đã đưa ra khuyến cáo về việc cần hạn chế các thực phẩm sau đây:

 

 

Chất béo: Người dùng quá nhiều chất béo dễ bị ung thư vú, ruột già hơn. Sự liên quan giữa ung thư ruột già với thực phẩm nhiều chất béo đã được giải thích như sau: acid mật (bile acid) có nhiệm vụ tiêu hóa chất béo. Acid này được vi sinh vật clostridia ở ruột tách ra làm nhiều chất, trong đó có 3-methylchola-threne được coi như có khả năng gây ung thư ruột già. Nếu càng ăn nhiều chất béo thì lượng acid mật tiết ra càng cao, lượng 3 - methylchola - threne càng nhiều, nguy cơ ung thư ruột già rất cao. Còn với bệnh ung thư vú thì ăn nhiều chất béo làm tăng prolactin - những chất được coi như “bạn đồng hành” của ung thư vú.

Những người cùng lúc ăn nhiều chất béo và chất đạm thì nguy cơ ung thư lại càng cao hơn, nhất là ung thư vú, dạ con, thận, ruột già, tụy tạng.

Rượu: Người nghiện rượu, uống rượu nhiều trong thời gian dài rất dễ bị ung thư miệng, thanh quản, thực quản, cuống họng. Xơ cứng gan vì rượu cũng là một trong nhiều nguyên nhân gây ung thư gan. Ở phụ nữ thường xuyên uống rượu, tỉ lệ mắc ung thư vú cao gấp nhiều lần so với người không uống.

Thuốc lá: Dù không là thực phẩm nhưng thuốc lá gắn liền với thói quen sinh hoạt và được dùng với lượng lớn không kém gì thực phẩm. Đã có nhiều dẫn chứng khoa học về việc thuốc lá là nguyên nhân của nhiều loại ung thư ở cả nam và nữ, nhất là ung thư phổi. Có tới 85% tử vong ung thư phổi là do hút thuốc lá. Hút thuốc lá cũng là nguy cơ ung thư miệng, bọng đái, thận, tụy tạng. Người hít khói thuốc dư cũng chịu nhiều rủi ro cho sức khỏe.

Thực phẩm dư hóa chất diệt sâu bọ: Nhiều nghiên cứu cho thấy, một số thuốc diệt sâu bọ là nguy cơ gây ung thư khi con người tiếp xúc lâu với phân lượng cao, như là hít qua phổi, ngấm qua da hoặc lẫn trong thực phẩm.

Gia vị: Hiện nay có cả vài ba ngàn gia vị thực phẩm được sử dụng để bảo quản, tăng mùi vị và màu sắc cho thực phẩm. Theo quy định thì các gia vị này phải đảm bảo an toàn cho người sử dụng, nhưng trên thực tế không ít cơ sở đã dùng các gia vị rất độc hại cho sức khỏe. Chẳng hạn, đường hóa học cyclamate và saccharin đã được cho là làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang vẫn được dùng trên 40 quốc gia. Chất nitrit và nitrat (có trong thực phẩm hun khói) nếu dùng nhiều sẽ gây ung thư gan, ruột già...

Thực phẩm nướng hoặc chiên: Quá trình chiên kỹ hoặc chiên đi chiên lại nhiều lần sẽ tạo ra sản phẩm phụ gọi là acrylamide. Acrylamide là một khối u chứa chất độc thần kinh mạnh, có tác dụng phụ không chỉ trên não mà cả đối với hệ thống sinh sản, tiêu hóa. Do đó, tốt nhất là hạn chế ăn các món nướng và chiên.

Thực phẩm bị mốc: Nhiều người thường cho rằng nấm mốc trong thực phẩm khô đơn giản chỉ là một dạng vi sinh vật vô hại, có thể lau rửa sạch mà không ảnh hưởng gì đến chất lượng thực phẩm. Tuy nhiên, theo cảnh báo của các chuyên gia, chính những nấm mốc này lại mang mầm bệnh ung thư nguy hiểm đến tính mạng con người. Gạo, lúa mỳ, đậu, ngô, đậu phộng và các loại thực phẩm khác rất dễ ẩm mốc khi bị ô nhiễm, mốc sẽ sản sinh ra chất độc hại gây ung thư là streptozotocin aflatoxin.

 

Mai Thương (theo VOV)

Ðể hạn chế ung thư, các nhà khoa học đưa ra những lời khuyên hữu ích:

- Ăn nhiều rau quả tươi và các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật bởi đây là nguồn cung cấp cho cơ thể các vitamin, khoáng chất và chất xơ cần thiết sẽ giúp cơ thể có được sức đề kháng tốt để chống lại các yếu tố gây ung thư. Mỗi người mỗi ngày nên ăn ít nhất 500g rau tươi và quả chín, nên ăn đa dạng các loại rau xanh, quả tươi để thay đổi khẩu vị và tạo nên sự dồi dào của các vitamin, khoáng chất tự nhiên do chúng mang lại.

- Hạn chế ăn thịt màu đỏ, chất béo và muối trong bữa ăn hằng ngày. Nên chọn lọc thực phẩm ít chất béo, có thể sử dụng các loại sữa đã tách bơ, ăn ít các món chiên, xào, hạn chế ăn mặn tối đa.

- Chất lượng thực phẩm phải được đảm bảo tươi sống, sạch sẽ, hợp vệ sinh. Ăn chín uống sôi. Không chế biến thức ăn ở nhiệt độ cao, nướng rán thực phẩm quá cháy.

- Ðảm bảo cân nặng cơ thể hợp lý: đừng để quá gầy hay quá béo. Thường xuyên rèn luyện thân thể bằng các môn thể thao phù hợp với cân nặng và sức khỏe của mình.

- Không uống rượu bia và các chất kích thích.

Có thể bạn quan tâm