Kinh tế

Nông nghiệp

90 nông dân huyện Chư Păh tham quan mô hình nuôi trùn quế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 15-1, Hội Nông dân tỉnh Gia Lai tổ chức cho 90 hội viên nông dân huyện Chư Păh tham quan mô hình nuôi trùn quế tại nông trại của anh Võ Tấn Lực (xã Chư Băh, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai).
Hội viên nông dân chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi. Ảnh: Vũ Chi

Hội viên nông dân chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi. Ảnh: Vũ Chi

Mô hình nuôi trùn quế của anh Lực được triển khai trên diện tích khoảng 50 m2. Bên trên anh nuôi chim bồ câu, bên dưới được tận dụng nuôi trùn quế. Thức ăn của trùn quế là phân chim bồ câu thải ra. Theo anh Lực, nuôi trùn quế không khó, không đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao và không tốn nhiều công chăm sóc. Thức ăn của trùn quế là chất thải động vật như phân heo, bò, gà, chim bồ câu…nên rất dễ kiếm. Trùn quế lại là nguồn thức ăn giàu đạm để chăn nuôi gia cầm, giúp vật nuôi tăng trưởng nhanh, chất lượng thịt thơm ngon. Phân trùn quế là loại phân hữu cơ giàu chất dinh dưỡng, thân thiện với môi trường, góp phần cải tạo đất kém màu mỡ, giúp tăng năng suất cây trồng. Mô hình này được anh Lực triển khai trong 3 năm qua nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi và cung cấp nguồn phân bón hữu cơ cho vườn cây cảnh của gia đình.

Dịp này, đoàn cũng đến tham quan mô hình nuôi hươu lấy nhung của gia đình anh Dương Ngọc Tuấn (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa). Đây là hội viên nông dân tiên phong trong chuyển đổi vật nuôi tại địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hoạt động tham quan nằm trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm lượng khí thải của cộng đồng quốc tế” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam triển khai. Tại tỉnh Gia Lai, Hội Nông dân tỉnh triển khai dự án tại 9 xã, phường, thị trấn thuộc 3 huyện, thị là huyện Chư Păh, huyện Phú Thiện và thị xã Ayun Pa. Mục tiêu của dự án là tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của hội viên nông dân về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, từng bước giải quyết một cách cơ bản việc lãng phí thức ăn dư thừa, chất thải chăn nuôi, giảm thiểu lượng rác thải gây ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, tăng thu nhập cho hội viên nông dân.

Có thể bạn quan tâm