Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

9X chế biến thực phẩm từ hạt mắc ca

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với tinh thần dám nghĩ dám làm, chị Nguyễn Thị Lệ Giang (SN 1991, tổ 8, thị trấn Kbang) đã nghiên cứu, chế biến hạt mắc ca thành những loại thực phẩm hữu ích như: sữa, tinh dầu, muối mắc ca… được người tiêu dùng đón nhận, đánh giá cao. Mỗi năm, chị tiêu thụ 7-11 tấn mắc ca cho người dân và mang về nguồn thu nhập khá cho gia đình.
Trăn trở với hạt mắc ca
Năm 2014, cây mắc ca ở Kbang đã cho thu hoạch nhưng người dân chưa tìm được đầu ra. Lúc này, chị Giang cùng với bạn bè đến tận vườn mua hạt mắc ca về sấy để bán. Hạt mắc ca sau khi mua về chị tiến hành phân loại và cho vào nồi rang bằng bếp củi, mỗi mẻ chỉ khoảng 1-2 kg. Đến công đoạn tách hạt, chị phải dùng khuôn gỗ có lỗ đúc sẵn cho hạt vào và dùng búa đập cho vỡ lớp vỏ ra. “Chúng tôi làm thủ công, cật lực mà mỗi ngày chỉ được 10 kg mắc ca thành phẩm”-chị Giang nhớ lại. Ngoài bán cho người dân thị trấn Kbang, chị Giang còn tích cực quảng bá sản phẩm trên trang mạng Facebook. Lấy uy tín, chất lượng sản phẩm đặt lên hàng đầu nên khách hàng tìm đến mua sản phẩm mắc ca của các chị ngày một đông.
Thấy được tiềm năng của dòng sản phẩm này, năm 2016, chị Giang tách ra mở cơ sở riêng của mình và dốc toàn bộ vốn liếng gần 200 triệu đồng mua máy sấy, máy tách hạt, máy đóng gói hút chân không để chế biến hạt mắc ca rang sấy. Trong quá trình kinh doanh, chị Giang nhận thấy mắc ca loại hạt nhỏ giá chỉ 110-130 ngàn đồng/kg, chỉ bằng nửa giá loại lớn nên doanh thu thấp. Từ đó, chị nghĩ đến việc chiết xuất tinh dầu mắc ca. Đầu tiên, chị làm thủ công bằng cách xay nhân mắc ca với nước theo tỷ lệ nhất định, rồi đem nấu trên bếp đến khi tinh dầu nổi lên thì dùng muỗng hớt từng chút một. Phương pháp này khá vất vả mà tỷ lệ tinh dầu thu được không cao. Vì thế, chị lên mạng tìm hiểu quy trình và đặt mua máy ép tinh dầu. “Nếu làm theo cách truyền thống, 10 kg nhân mắc ca chỉ thu được 1 lít tinh dầu. Có máy móc hỗ trợ đỡ tốn công, không mất nhiều thời gian mà thu nhiều tinh dầu hơn, bình quân 10 kg nhân mắc ca thu được 5-6 lít. Giá bán 1 triệu đồng/lít”-chị Giang chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Lệ Giang giới thiệu các sản phẩm được chế biến từ hạt mắc ca. Ảnh: An Phát
Chị Nguyễn Thị Lệ Giang giới thiệu các sản phẩm được chế biến từ hạt mắc ca. Ảnh: An Phát
Đa dạng sản phẩm
Để bổ sung nguồn dinh dưỡng từ các loại hạt vào khẩu phần ăn cho các con của mình, chị Giang đã lên mạng học cách chế biến sữa mắc ca. Rút kinh nghiệm đợt chiết xuất tinh dầu, lần này chị mua máy xay, nồi nấu phục vụ việc chế biến sữa. Sau nhiều lần thử nghiệm, chị đã tìm ra công thức chế biến sữa mắc ca có vị béo, mùi thơm đặc trưng, đặc biệt là sữa không bị tách béo (tách phần nước sữa và tinh dầu). Sản phẩm không chỉ dùng trong gia đình mà còn bán ra thị trường và được người tiêu dùng ưa chuộng. Cầm chai sữa mắc ca trắng ngà, thơm ngon, chị Giang bộc bạch: “Đối với khách hàng trong huyện, tôi sẽ nhận đơn từ chiều hôm trước rồi sáng sớm nấu sữa và giao hàng. Mỗi ngày, tôi bán ra 15-20 lít sữa mắc ca với giá 50 ngàn đồng/lít. Còn với khách hàng ngoài huyện, tôi đóng gói nhân hạt mắc ca, kèm theo công thức về cách nấu, bảo quản. Giá bán 43 ngàn đồng/100 gram nhân mắc ca tươi”.
Là khách hàng thường xuyên của chị Giang, chị Đỗ Thị Minh Thu (tổ 10, thị trấn Kbang) bày tỏ: “Chị Giang là người đầu tiên nấu sữa mắc ca. Tôi có 2 con nhỏ nên đặt chị Giang nấu để sử dụng hàng ngày. Sữa mắc ca chị Giang nấu rất thơm ngon, đảm bảo an toàn thực phẩm. Ngoài ra, tôi cũng mua tinh dầu và một số sản phẩm khác từ hạt mắc ca của chị”.
Không dừng lại ở đó, năm 2019, chị Giang mày mò nghiên cứu và làm ra sản phẩm muối mắc ca và mắc ca ngào mật ong. Chị chia sẻ: “Sản phẩm muối mắc ca chế biến khá đơn giản. Nhân mắc ca xay nhuyễn trộn với mè đen, muối tinh giã nhuyễn. Sản phẩm này được những người ăn chay ưa chuộng. Ngược lại, mắc ca ngào mật ong chế biến cầu kỳ, mất thời gian hơn. Nhưng ưu điểm của loại sản phẩm này là thời gian bảo quản có thể kéo dài 6-12 tháng”. 
Nhờ đa dạng sản phẩm từ hạt mắc ca mà mỗi năm chị tiêu thụ 7-11 tấn hạt mắc ca cho người dân trong huyện. Riêng các sản phẩm sữa, tinh dầu, muối mắc ca, mắc ca ngào mật ong mang lại nguồn thu 40-50 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.
Ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang-cho biết: “Kbang là địa phương có diện tích mắc ca lớn nhất tỉnh với gần 1.000 ha, trong đó có hơn 200 ha đang cho thu hoạch. Trong số hơn 10 cơ sở thu mua hạt mắc ca thì cơ sở của chị Giang có nhiều sản phẩm chế biến từ hạt mắc ca. Hy vọng chị tiếp tục phát huy tính sáng tạo, nghiên cứu chế biến thêm nhiều sản phẩm từ hạt mắc ca, góp phần nâng cao giá trị cũng như quảng bá sản phẩm mắc ca của Kbang tới người tiêu dùng trên toàn quốc”.
AN PHÁT

Có thể bạn quan tâm