Kinh tế

Tài chính

Agribank Gia Lai nỗ lực huy động vốn dài hạn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đợt phát hành trái phiếu dài hạn vào thời điểm cuối năm 2018 cho thấy, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam (Agribank) Gia Lai quyết tâm đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, tăng trưởng thêm nguồn vốn dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu cho vay nền kinh tế nói chung, cũng như các dự án đầu tư trung-dài hạn đã được cam kết.
Trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Agribank được chính thức chào bán trên thị trường toàn quốc trong tháng 12-2018 với tổng khối lượng phát hành 4.000 tỷ đồng, mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu, được phát hành và thanh toán bằng VND. Đây là lần thứ 2 trong vòng 10 năm trở lại đây, Agribank phát hành trái phiếu dài hạn ra thị trường ngay sau khi được sự chấp thuận của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ủy ban Chứng khoán nhà nước. Mục đích của đợt phát hành trái phiếu này nhằm tăng khả năng thanh khoản, đồng thời nâng cao uy tín, vị thế của Agribank cũng như gia tăng khả năng cạnh tranh và thêm công cụ cho thị trường tài chính tiền tệ.  
 Nguồn huy động trái phiếu dài hạn sẽ giúp Agribank tăng trưởng nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu cho vay. Ảnh: S.C
Nguồn huy động trái phiếu dài hạn sẽ giúp Agribank tăng trưởng nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu cho vay. Ảnh: S.C
Cũng giống như các loại hình huy động vốn khác, vấn đề lãi suất luôn là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư, đặc biệt là đối với hình thức huy động vốn dài hạn. Theo phân tích của ông Nguyễn Dự-Giám đốc Agribank-Chi nhánh Gia Lai, nếu nhà đầu tư có nguồn vốn nhàn rỗi thì hình thức đầu tư trái phiếu dài hạn có hệ số an toàn cao, lãi suất hấp dẫn và được điều chỉnh định kỳ hàng năm. Cụ thể, lãi suất tham chiếu dùng để xác định lãi suất cho mỗi kỳ tính lãi là bình quân lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân bằng VND kỳ hạn 12 tháng được công bố trên website chính thức của 4 ngân hàng thương mại: BIDV, Vietinbank, Agribank và Vietcombank. Trong thời điểm hiện tại, mức lãi suất trái phiếu dài hạn được công bố là 7,9%/năm, cao hơn 1% so với mức lãi suất huy động tiết kiệm hiện hành (6,8%-6,9%/12 tháng).
Thêm một vấn đề đáng lưu ý đối với hình thức đầu tư này, người sở hữu trái phiếu dài hạn Agribank năm 2018 được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu trái phiếu, được thanh toán lãi định kỳ 1 năm/lần, được tự do chuyển nhượng, bán, cho tặng, để lại thừa kế trái phiếu của mình và sử dụng trái phiếu làm tài sản bảo đảm, cầm cố, chiết khấu, mua bán có kỳ hạn hoặc tham gia các giao dịch dân sự, thương mại khác theo quy định của pháp luật. Về phía Agribank có quyền mua lại trước hạn toàn bộ trái phiếu nhưng không được mua lại một phần trái phiếu trước hạn với giá mua lại bằng mệnh giá tại thời điểm tròn 5 năm kể từ ngày phát hành. Trước khi mua lại, Agribank sẽ thông báo đến nhà đầu tư 30-60 ngày, giá mua lại bằng mệnh giá của trái phiếu. 
Để tăng trưởng và mở rộng tín dụng thì ngân hàng phải tăng trưởng nguồn vốn. Tại địa bàn tỉnh hiện nay, Agribank Gia Lai đạt quy mô dư nợ hơn 8.300 tỷ đồng, huy động vốn đạt hơn 4.700 tỷ đồng; Agribank Đông Gia Lai có quy mô dư nợ hơn 9.600 tỷ đồng, huy động vốn hơn 5.000 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng từ 2 chi nhánh đã và đang đầu tư cho các dự án kinh tế trên địa bàn, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, thủy điện, điện mặt trời, doanh nghiệp vừa và nhỏ… Trong đợt phát hành trái phiếu dài hạn Agribank năm 2018, cả 2 chi nhánh đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng nguồn vốn trước ngày 31-12 nhằm đảm bảo kế hoạch được giao.
Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm