Thời sự - Bình luận

Ai dám làm doanh nghiệp khi sai phạm về kinh tế bị hình sự hóa?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Khởi tố, bắt giam doanh nhân sai phạm là cần thiết nếu có hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Nhưng nếu sai phạm đúng ra chỉ xử lý theo quan hệ kinh tế lại bị hình sự hóa, chủ doanh nghiệp bị bắt, thì hoạt động của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thiệt hại không chỉ riêng doanh nghiệp.

 

 Bộ trưởng Hồ Đức Phớc. Ảnh:LĐO
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc. Ảnh:LĐO



Đáng tội thì xử không tha, nhưng không đáng tội thì không xử lý hình sự, đó là quan điểm văn minh pháp luật cần ủng hộ và áp dụng vào đời sống.

Chủ trì Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế diễn ra ngày 22.4, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: "Những sai phạm chỉ là thiểu số. Việc xử lý là cần thiết, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đại đa số nhà đầu tư, doanh nghiệp chân chính, hoạt động lành mạnh, tuân thủ pháp luật".

Trên thực tế, doanh nghiệp làm ăn chân chính rất nhiều, đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Cho nên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp nhà đầu tư chính là bảo vệ lợi ích của đất nước.

Nhưng những hoang tin, lời đồn thổi phồng sai phạm của doanh nghiệp này, tập đoàn nọ, đã làm ảnh hưởng rất lớn đến thị trường và sự bất an của xã hội.

Ngày 25.4, thị trường chứng khoán giảm sâu với hầu hết mã cổ phiếu từ blue-chips cho đến penny đều giảm, chỉ số VN-Index giảm mạnh, mất gần 70 điểm. Cú 'hạ áp" này có nguyên nhân từ những vụ đồn đãi về bắt bớ, sẽ bắt, sắp bắt ai đó. Niềm tin về nền kinh tế và uy tín thị trường chứng khoán bị lung lay trước những loại  tin này.

Liên quan tới chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu quan điểm: "Chúng tôi thống nhất sẽ không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và những sự việc vừa qua là tiếng chuông cảnh tỉnh để thị trường quay trở lại hoạt động ổn định, đảm bảo việc kinh doanh lành mạnh, bình đẳng trên thị trường".

Doanh nghiệp làm ăn nếu có sai sót, hoặc sai phạm, phải căn cứ vào quy định của pháp luật để xử phạt tùy theo mức độ vi phạm, rồi hướng dẫn, hỗ trợ để doanh nghiệp hoạt động. Đó là cách giải quyết phù hợp, có lợi ích cho doanh nghiệp và cho toàn xã hội.

Một tập đoàn, doanh nghiệp có quá trình xây dựng, tạo ra của cải vật chất, đem lại quyền lợi cho cổ đông, tạo việc làm cho người lao động. Cho nên, khi doanh nghiệp gặp khủng hoảng, hãy tìm cách cứu hơn là để sập tiệm.

Doanh nghiệp sập tiệm, lấy việc đâu cho người lao động làm, lấy nguồn đâu để thu thuế?

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/ai-dam-lam-doanh-nghiep-khi-sai-pham-ve-kinh-te-bi-hinh-su-hoa-1038414.ldo

Theo LÊ THANH PHONG (LĐO)

Có thể bạn quan tâm