Xã hội

Gia đình

Ám ảnh nạn tự tử bằng thuốc diệt cỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thiếu tá, bác sĩ Phạm Văn Bình-Bệnh xá trưởng Bệnh xá quân-dân y Bình Dương-cho biết: Từ năm 2015 đến nay, Bệnh xá đã cấp cứu súc ruột không ít ca uống thuốc diệt cỏ tự tử. Từ tháng 5 đến tháng 12 hàng năm là thời điểm Bệnh xá tiếp nhận nhiều trường hợp tự tử bằng thuốc diệt cỏ bởi thời gian này các gia đình hay sử dụng thuốc diệt cỏ cho cà phê, hồ tiêu...
Tự tử vì những chuyện không đâu
Ở làng Lú (xã Ia Pia) ai cũng bảo chị Kpuih Lết là người may mắn khi có được một người chồng chịu thương, chịu khó, yêu vợ, thương con. Ấy thế mà đùng một cái, cả làng xôn xao khi biết tin chồng chị-anh Rơ Lan Như tìm đến cái chết bằng thuốc diệt cỏ. Sự việc đã trôi qua gần 1 năm nhưng nỗi đau vẫn khó nguôi ngoai. Giấu nước mắt vào trong, chị Lết kể: “Tối đó, sau khi cả nhà vừa ăn cơm xong thì không thấy anh Như đâu. Cứ nghĩ là anh ấy chạy sang nhà hàng xóm chơi nhưng đợi mãi vẫn không thấy về. Linh tính mách bảo như có điều chẳng lành, vì buổi chiều đi làm về, tôi và anh có lớn tiếng với nhau chuyện anh muốn mua điện thoại mới nhưng nhà chưa có tiền. Vậy mà anh buồn, hành động mất suy nghĩ. Khi người nhà đi tìm và phát hiện anh ấy đang nằm ngoài vườn, bên cạnh là vỏ chai thuốc diệt cỏ đã mở nắp, miệng anh ấy nồng nặc mùi thuốc. Dù được mọi người đưa đi cấp cứu nhưng anh không qua khỏi”.
 Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Cũng vì chuyện không đâu mà ông Kpuih Bói (SN 1972, làng Hát 1, xã Ia Pia) đã tự tử bằng thuốc diệt cỏ. Là gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cuộc sống chủ yếu dựa vào mấy sào cà phê và đi làm thuê nhưng ông Bói lại hay rượu chè. Ngày 17-11-2018, gia đình bất ngờ khi ông Bói tìm đến cái chết bằng thuốc diệt cỏ. Trò chuyện với chúng tôi, trên khuôn mặt khắc khổ, già nua của bà Rơ Lan Beo (vợ ông), những giọt nước mắt cứ lăn dài. Bà kể: “Tôi không hiểu vì sao ông ấy lại tìm đến cái chết như vậy. Sáng hôm ấy, mẹ con tôi đi làm đến gần trưa thì có người báo chồng tôi ở nhà kêu la ầm ĩ, miệng sùi bọt mép. Tôi bỏ buổi làm về thì thấy chồng đang nằm vật vã, toàn thân sặc sụa mùi thuốc diệt cỏ. Tôi thuê xe ô tô chở ông ấy đến Bệnh xá quân-dân y Bình Dương súc ruột rồi tiếp tục chuyển viện cấp cứu. Nhưng thuốc độc đã ngấm sâu vào cơ thể nên chồng tôi đã qua đời”.
Ông Nguyễn Bá Nhung-Chủ tịch UBND xã Ia Pia-cho biết: “Từ năm 2015 đến nay, toàn xã đã có 24 người tự tử bằng thuốc diệt cỏ. Chỉ 1 lời nói nặng, 1 việc làm không vừa ý cũng có thể là nguyên nhân khiến họ tìm đến cái chết, đa phần dùng thuốc diệt cỏ. Hiếm có trường hợp nào được cứu sống vì độc tố trong thuốc quá lớn”.
Đâu là giải pháp?
Là người có 16 năm gắn bó với nghề, trực tiếp súc ruột cho nhiều bệnh nhân tự tử bằng thuốc diệt cỏ, y tá Rơ Châm Len (Bệnh xá quân-dân y Bình Dương) cho biết: Trong thực tế, nhiều trường hợp tự tử không xác định chính xác, rõ ràng nguyên nhân. Hành động tự tử thường mang tính tức thời nên rất khó phát hiện, ngăn chặn kịp thời. “Nhiều trường hợp Bệnh xá đã tích cực cấp cứu, súc ruột nhưng tỷ lệ tử vong rất cao”-chị Len chia sẻ.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Bệnh xá quân-dân y Bình Dương, từ năm 2015 đến nay đã có hàng trăm trường hợp tự tử bằng thuốc diệt cỏ ở các xã vùng biên Ia Tôr, Ia Me, Ia Pia, Ia Ga được đưa đến Bệnh xá cấp cứu; trong đó bệnh nhân người dân tộc thiểu số chiếm đến 99%.
May mắn được Bệnh xá cứu sống, chị Kpuih Pem (làng Nẻh, xã Ia Tôr) hối hận chia sẻ: “Các bác sĩ ở Bệnh xá súc ruột, rồi chuyển tôi lên Bệnh viện Quân y 15. Tôi được điều trị tận tình và sau 3 tuần thì bình phục về nhà. Tôi rất hối hận về việc làm dại dột của mình, khiến người thân lo sợ, đau khổ”. 
Ông Phạm Vũ Tú-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông-cho biết: “Mấy năm trở lại đây, chúng tôi rất trăn trở với tình trạng tự tử bằng thuốc diệt cỏ trên địa bàn huyện. Các cấp, các ngành của huyện đang thực hiện lồng ghép tuyên truyền thông qua các buổi tuyên truyền hướng về cơ sở, nắm bắt tâm tư, tình cảm của người dân tại từng gia đình, nhất là ở những xã có tỷ lệ tự tử cao. Qua những buổi tuyên truyền, bà con đã phần nào nâng cao nhận thức và biết quý trọng sự sống. Tuy nhiên về lâu dài, để ngăn chặn triệt để vấn nạn này rất cần sự chung tay của nhiều cấp, nhiều ngành, bằng những biện pháp quyết liệt và thực tế hơn, phù hợp hơn; trong đó có việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. 
 ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm