Xã hội

Gia đình

Hệ lụy từ chiếc điện thoại thông minh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Mới đây, chị P.T.Nh. (quê ở Nghệ An) chia sẻ hình ảnh 13 đứa trẻ vừa là con vừa là cháu chỉ cắm cúi vào điện thoại, trong khi ông nội đứng sau mà chẳng thể bắt chuyện cùng chúng.

Đáng buồn hơn, đây lại là lễ mừng thọ mà chị Nh. cùng các anh tổ chức cho bố. Vì muốn gia đình sum họp đủ đầy nên ai cũng thu xếp thời gian để tới dự. Vậy mà, sau khi ăn qua quýt cho xong bữa, những đứa trẻ nhanh chóng lảng sang khu vực trống bên cạnh để chơi game và bấm điện thoại. Từ đứa lớn nhất đã là sinh viên đại học đến đứa trẻ nhỏ nhất mới 1 tuổi đang ngồi trên ghế ăn cũng được mẹ đặt một chiếc điện thoại di động trước mặt.

Điều đáng nói hơn là khi cả gia đình muốn chụp ảnh kỷ niệm cho đủ mặt các cháu thì phải chạy tới chạy lui gọi mời, nhắc nhở mãi thì bọn trẻ mới miễn cưỡng tắt điện thoại một lúc để chụp. Sau đó, chúng lại nhanh chóng... trở về thế giới của mình.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Tranh minh họa (nguồn internet).

Có thể nói, câu chuyện trên là tình trạng chung của không ít gia đình hiện nay. Nhất là khi những đứa trẻ đang trong kỳ nghỉ hè. Thay vì chọn cách vui chơi giải trí bằng các hoạt động thể thao như nhảy dây, trốn tìm, đá bóng... thì những đứa trẻ ngày nay chọn cách ở trong nhà xem ti vi hoặc dán mắt vào điện thoại để chơi game hoặc lướt TikTok.

Thông thường, phụ huynh trước khi đi làm đều giao cho con một chiếc điện thoại để tiện việc liên lạc, kiểm tra, giám sát hoặc để con đặt đồ ăn. Tuy nhiên, chỉ cần cầm chiếc điện thoại di động, bọn trẻ đã nhanh chóng chìm vào một thế giới ảo với những trò chơi, những câu chuyện theo ý thích của riêng mình.

Ngày trước, chiếc điện thoại là vật dụng kỳ diệu đối với rất nhiều người, nó thu gần khoảng cách giữa người với người dẫu cách nhau nửa vòng trái đất. Rồi kỷ nguyên công nghệ số bùng nổ, những chiếc điện thoại bàn, điện thoại “cục gạch” được thay thế bằng những chiếc điện thoại thông minh. Và, theo thời gian, chiếc điện thoại thông minh trở thành đồ dùng thiết yếu của mọi nhà, mọi người.

Những năm 80, 90 của thế kỷ trước, ít người được tiếp xúc với điện thoại bởi không có điều kiện kinh tế. Nhà nào có chiếc điện thoại bàn thì cũng được đặt trong hộp gỗ, khóa chặt bên bấm số vì sợ lũ trẻ con táy máy bấm gọi thì... tốn tiền. Đến khi xuất hiện điện thoại di động, dẫu chỉ là trắng đen cũng là biểu tượng của sự sành điệu. Rồi tiến đến điện thoại có camera để chụp ảnh, nghe nhạc nhưng vẫn chỉ dành cho những người có điều kiện.

Công nghệ bùng nổ, những sinh viên đại học cần đến điện thoại, rồi đến học sinh bậc THPT, THCS và giờ đây là những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn. Bây giờ, không khó để bắt gặp một em bé mới tập ngồi đã dán mắt vào điện thoại và đưa tay vuốt màn hình cảm ứng để tìm đến bài hát mà mình yêu thích trong tiếng vỗ tay khen ngợi của bố mẹ.

Chẳng thể phủ nhận, sở hữu 1 chiếc điện thoại thông minh trong thời hiện đại là việc cần thiết, vì đó là một phần tất yếu của nhu cầu giao tiếp. Nhưng, cùng với những tiện dụng đó thì mặt xấu của việc lạm dụng điện thoại quá mức cũng đã được cảnh báo. Không ít trẻ tiếp xúc với điện thoại thông minh từ rất sớm đang dần mất đi tuổi thơ khi chỉ đắm mình trong thế giới ảo.

Trên thực thế, có những con người dẫu ở thật gần nhau, ngồi cạnh nhau trong quán cà phê hay chung nhau trên một chiếc giường ngủ, nhưng chỉ cần đụng đến điện thoại thì mỗi người lại trôi vào một thế giới khác của riêng mình. Điều đó khiến cho tác dụng kết nối của chiếc điện thoại thông minh đang dần trở nên mất kết nối từ lúc nào không hay.

Có thể bạn quan tâm