Thời sự - Bình luận

Đề xuất vợ chồng, cá nhân tự quyết định sinh bao nhiêu con: Hợp lý, nhân văn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đề xuất để cặp vợ chồng tự quyết định sinh bao nhiêu con của Bộ Y tế là một trong những giải pháp giàu tính nhân văn, thích hợp với điều kiện thực tế hiện tại và phù hợp với Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân.

Pháp lệnh Dân số 2008 sửa đổi có nêu: Mỗi cặp vợ chồng, cá nhân “sinh 1 hoặc 2 con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định”. Tuy nhiên, trước tình trạng mức sinh thay thế đang giảm thấp nhất trong 12 năm trở lại đây, tại đề cương dự thảo Luật Dân số, Bộ Y tế đề xuất để cặp vợ chồng tự quyết định sinh bao nhiêu con.

Ảnh minh họa: NAM TRẦN/baohatinh

Ảnh minh họa: NAM TRẦN/baohatinh

Theo đó, cặp vợ chồng, cá nhân quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh; được cung cấp thông tin, tiếp cận, lựa chọn, sử dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Cặp vợ chồng, cá nhân có nghĩa vụ thực hiện chính sách, pháp luật về dân số; bảo đảm trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt; bình đẳng trong thực hiện các nghĩa vụ khác liên quan đến chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình.

Đề xuất này bước đầu nhận được sự quan tâm của dư luận bởi chính sách sinh “1 đến 2 con” đã được nước ta duy trì khá lâu nhằm ngăn chặn nguy cơ “bùng nổ” dân số gây tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội và môi trường.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, V (năm 1976, 1982), Đảng ta tiếp tục chủ trương đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch, kiên quyết giảm dần tốc độ tăng dân số. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986) đặt mục tiêu giảm tỷ lệ phát triển dân số từ 2,2% xuống 1,7% vào năm 1990. Lúc này, chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình được thực hiện kiên quyết hơn, coi đây là chương trình quốc gia trọng điểm mà trọng tâm là chính sách “1 đến 2 con” kéo dài hơn 2 thập kỷ. Cùng với những quyết sách cứng rắn cũng như những biến đổi trong đời sống kinh tế-xã hội, chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình đã góp phần làm giảm mạnh mức sinh ở nước ta xuống còn 2,33 con/phụ nữ vào năm 1999.

Thời gian này, dù đã tiệm cận với mức sinh thay thế (2,1 ± 0,05 con/phụ nữ) song chưa thật sự bền vững nên chính sách “1 đến 2 con” vẫn được duy trì trong gần 1 thập kỷ tiếp theo. Điều này được thể hiện trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ IX (năm 2001), lần thứ X (năm 2006) và trực tiếp trong nhiều văn bản, chính sách quan trọng khác của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Nhờ đó, Việt Nam đã khống chế thành công tốc độ gia tăng nhanh quy mô dân số. Hiện nay, tốc độ tăng dân số là 1,05%/năm, thấp xa so với 3-4 thập kỷ trước đây (trên dưới 3%/năm), ở mức rất thấp so với nhiều nước, vùng lãnh thổ trong khu vực và trên thế giới. Tốc độ tăng dân số năm 2022 là 0,98%, năm 2023 là 0,84%.

Tại Gia Lai, tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh duy trì mức sinh thay thế; quy mô dân số của tỉnh vẫn giữ được mức tương đối ổn định. Trong đó, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 11,5‰; tỷ suất sinh 15,52‰, tỷ số giới tính khi sinh 105 bé trai/100 bé gái. Kết quả trên đã góp phần làm tăng GDP bình quân đầu người, an ninh lương thực được đảm bảo, góp phần quan trọng vào công cuộc giảm nghèo.

Dù vậy, theo thống kê của Bộ Y tế, mức sinh ở nước ta năm 2022 đạt 2,01 con/phụ nữ, năm 2023 ước tính là 1,96 con/phụ nữ, dưới mức thay thế. Đời sống hiện đại cũng kéo theo xu hướng sinh ít con hoặc không muốn sinh con, nhất là ở khu vực đô thị. Áp lực và chi phí nuôi con tăng cao khiến nhiều cặp vợ chồng đắn đo trong quyết định sinh đẻ.

Bên cạnh đó, những ràng buộc về việc bị xử lý kỷ luật đối với đảng viên, công chức khi sinh con thứ ba cũng khiến mức sinh thay thế bị kéo giảm. Theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, khi mức sinh giảm xuống dưới mức thay thế thì rất khó tăng trở lại, đồng thời để lại nhiều hệ lụy như: già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội...

Vì thế, đề xuất để cặp vợ chồng tự quyết định sinh bao nhiêu con là một trong những giải pháp giàu tính nhân văn, thích hợp với điều kiện thực tế hiện tại và phù hợp với Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân cũng như với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên liên quan đến công tác dân số, các cam kết chính trị mà Việt Nam đã đưa ra tại các diễn đàn đa phương về quyền sinh sản.

Để triển khai đề xuất trên, theo Bộ Y tế, Nhà nước cũng cần có những chính sách, quy định các biện pháp duy trì vững chắc mức sinh thay thế phù hợp theo từng vùng, từng địa phương, từng điều kiện kinh tế. Song về phía các cặp vợ chồng, cá nhân khi được trao quyền, cũng cần phải hiểu rõ điều kiện thực tế của gia đình, bản thân để có những quyết định đúng đắn trong việc lựa chọn số con được sinh ra, phù hợp với chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình của địa phương, đất nước trong từng thời kỳ.

Có thể bạn quan tâm