Xã hội

Gia đình

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.

Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước do Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức mới đây, nhiều kết quả ấn tượng của tỉnh trong 10 năm qua đã được nêu ra, trong đó có công tác gia đình.

Theo đánh giá tại hội nghị, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được triển khai rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn và thành thị.

Hội thi sáng kiến truyền thông phòng-chống bạo lực gia đình do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Ia Pa tổ chức. Ảnh: H.N

Hội thi sáng kiến truyền thông phòng-chống bạo lực gia đình do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Ia Pa tổ chức. Ảnh: H.N

Đặc biệt, sau 10 năm, tình trạng bạo lực gia đình được kéo giảm, tạo nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, số vụ bạo hành thân thể giảm mạnh từ 1.400 vụ (năm 2014) xuống còn 15 vụ (6 tháng đầu năm 2024); bạo hành tinh thần từ 200 vụ xuống còn 24 vụ, bạo hành kinh tế chỉ có 5 vụ thay vì 100 vụ, bạo hành tình dục chỉ còn 1 vụ so với 100 vụ.

Cùng với đó là sự gia tăng các mô hình phòng-chống bạo lực gia đình, từ 69 lên 134 mô hình. Các mô hình hoạt động độc lập (câu lạc bộ, đường dây nóng) tăng từ 48 lên 87. Đặc biệt, số lượng “địa chỉ tin cậy”-một tổ chức hoạt động xã hội tình nguyện tại cộng đồng nhằm hỗ trợ kịp thời nạn nhân bị bạo lực gia đình tăng từ 170 lên 1.222 địa chỉ. Nhiều biện pháp xử lý người gây bạo lực gia đình như: góp ý, phê bình, áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc, xử phạt hành chính, xử lý hình sự… cũng được đẩy mạnh.

Kết quả tích cực ấy phản ánh sự hiện diện nếp sống văn minh, ứng xử trong cộng đồng cũng như nền nếp gia đình; sự quan tâm đặc biệt của các ngành, địa phương đối với công tác gia đình. Bởi lẽ, gia đình có lành mạnh thì xã hội mới có thể phát triển bền vững. Đó còn là kết quả của việc thực hiện có hiệu quả “Tháng hành động quốc gia phòng-chống bạo lực gia đình” (tháng 6 hàng năm), “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới” (ngày 15-11 đến 15-12 hàng năm) của Chính phủ.

Đầu năm 2024, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã phát động cuộc thi “Tìm hiểu kiến thức pháp luật về gia đình và phòng-chống bạo lực gia đình”. Cuộc thi được tổ chức với 2 hình thức thi viết và thi vẽ. Phần thi viết gồm: trắc nghiệm câu hỏi kiến thức về công tác gia đình và phòng-chống bạo lực gia đình; bài viết giới thiệu về các gia đình, tổ chức, cá nhân có những hoạt động tiêu biểu trong công tác gia đình và phòng-chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh. Còn phần thi vẽ khuyến khích người dự thi thể hiện các tác phẩm về gia đình.

Cuộc thi đã giới thiệu những mô hình tiêu biểu trong việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc được phát hiện, nêu gương, nhân rộng; giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam cùng những chuẩn mực đạo đức, lối sống và truyền thống văn hóa tốt đẹp được tôn vinh, lan tỏa.

Ngày 18-5-2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 428/QĐ-TTg về việc ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng-chống bạo lực gia đình.

Kế hoạch xác định cụ thể mục tiêu, nội dung, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức thi hành Luật bảo đảm đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả.

Yêu cầu bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc triển khai thi hành Luật Phòng-chống bạo lực gia đình.

Thực trạng đã cải thiện theo chiều hướng tốt đẹp, song công tác phòng-chống bạo lực gia đình vẫn được chú trọng thường xuyên. Bởi hành vi bạo lực gia đình có nơi có lúc diễn biến phức tạp. Đó có thể là sự ngược đãi giữa vợ-chồng, cha mẹ-con cái và cả con cái với chính người sinh thành dưỡng dục.

Vì một số lý do, bạo lực đôi khi còn được che giấu bởi chính nạn nhân nên không dễ phát hiện, can thiệp. Chỉ khi các mô hình phòng-chống đủ nhiều, đủ tin cậy; biện pháp xử lý đủ mạnh; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành hiệu quả, nạn nhân mạnh dạn lên tiếng thì khi đó bạo lực gia đình mới giảm thiểu và được ngăn chặn.

Có thể bạn quan tâm