Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Ấm lòng sợi chỉ lá thơm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khu vườn nhà ngoại ngày ấy rộng lắm nhưng tôi chẳng thích. Vì không có cây nào để vừa đánh đu vắt vẻo vừa hái quả mà xơi liền như xoài, ổi, mận, me. Có vài chục cây mít cao to, bóng trùm cả sau vườn nhưng bọn trẻ chúng tôi không chơi dưới bóng mát được, bởi ở đó ngoại trồng thơm (dứa) kín hết đất. Còn xung quanh vườn là hàng rào thơm tàu dày đặc. Đấy! Toàn những thứ có gai nhọn hoắt, đụng vào là rách da rách thịt!  
Dù sao tôi cũng có chút cảm tình với loài thơm vì đến mùa quả chín ăn được ít hôm. Có lần, ngoại hái quả xong, tôi vác dao phát trụi lủi một vùng để có sân bắn bi, đánh đáo. Bà nhìn mớ lá thơm bị băm nham nhở mà thở dài: “Con gom lại hết một chỗ cho bà”. Tôi nghĩ bà dùng làm chất đốt nên đáp gọn lỏn: “Để vậy mau khô hơn bà ạ!” rồi vù đi chơi.
Một hôm thấy bà cầm mảnh sành cặm cụi cào lên những lá thơm, tôi tò mò: “Để làm gì vậy ngoại?”. Ngoại bảo: “Không áo quần nào chịu nổi với con cả, may mà có nó làm chỉ”. À! Thì ra sợi chỉ mà tôi thường xỏ kim cho bà là lấy từ những chiếc lá thơm này! Bà tỉ mẩn cào cho sạch phần cơm của lá, sợi chỉ lộ ra, trắng muốt. Bà dùng để may vá, thêu thùa, chằm nón, trông nó mỏng manh mà chắc lắm!
Còn đối với loài thơm tàu, tôi rất ghét! Không phải vì không cho trái ăn mà vì nó hay làm da tôi trầy xước. Khiếp nhất là lần chui vào vườn nhà hàng xóm hái ổi, bị con chó vện hung dữ lao ra đuổi rất gắt. Tôi bươn qua hàng rào thơm tàu, bị gai đâm đau nhức. Mũi gai có chất độc, lại bị đâm nhiều vết nên sốt. Ngoại bảo tôi nằm võng và lấy thuốc đỏ bôi lên mấy vết thương để không bị mưng mủ. Sau đó, bà lấy khăn ướt chườm trán cho.
Minh họa: KIM HƯƠNG
Tôi nằm trên võng đong đưa, nghe bà nói như có cảm giác tại bà mà cháu mới đau. Thơm tàu này do bà trồng nhưng không phải để rào mà để lấy lá. Lấy lá làm gì hở bà? Ngoại mắng: “Cha mầy, cái võng con đang nằm làm bằng thơm tàu đấy!”. Tôi nhổm dậy, trố mắt nhìn cái võng trắng phau, mượt mà, êm ái: nó được làm từ những chiếc lá đầy gai sắc và có độc ư? Rồi bà kể cách làm một cái võng thơm tàu, công phu lắm. Đầu tiên là cắt lá đem ngâm nước khoảng hơn mươi ngày cho phần thịt lá rữa hết, rồi vớt lên, dùng mảnh sành hoặc mảnh sọ dừa cạo sạch lớp nhớt để lấy sợi tơ. Đem tơ giặt, phơi nắng cho thật khô rồi mới đan võng. Êm và rất bền! Bà chỉ cái võng tôi đang nằm: “Nó một tuổi với má con đó”. Trời, hơn 40 năm! Tôi nhìn những sợi tơ như tóc bà bạc trắng, lòng ấm áp, quên hẳn đau nhức.
Ngày nay, võng thơm tàu ít người đan, nó đã đi vào trong ký ức của đời sống sinh hoạt người dân quê. Còn những sợi chỉ thơm đã trở thành chất liệu vải được chú ý bởi tính ứng dụng cao, thân thiện với môi trường, phù hợp với xu hướng thời trang hiện đại.
PHAN VĂN THIÊN

Có thể bạn quan tâm