Điểm đến Gia Lai

Ấm nồng hương rượu cào cào

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tháng 3 về, người Bahnar ở xã Kông Lơng Khơng (huyện Kbang, Gia Lai) lại cùng nhau vui mùa lễ hội bên những ghè rượu cần được làm từ hạt cào cào. Hơi men ấm nồng cứ thế quyện lẫn cùng biết bao câu chuyện gần gũi, thân tình của những ngày hội làng.
Mùa lễ hội của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung và người Bahnar nói riêng bắt đầu từ đầu năm và kéo dài đến hết tháng 3. Thời gian này, mọi người trong làng sẽ quây quần tại nhà rông để làm lễ cúng thần linh, ăn uống, ca hát… Và tất nhiên, trong những ngày lễ hội ấy không thể thiếu những ghè rượu cào cào-đặc sản của vùng đất Kông Lơng Khơng.
 Những ghè rượu cào cào thơm nồng được làm ra từ đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Bahnar. Ảnh: T.D
Những ghè rượu cào cào thơm nồng được làm ra từ đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Bahnar. Ảnh: T.D
Tháng 12 âm lịch hàng năm là thời điểm hạt cào cào bắt đầu chín. Trên những thân cây khẳng khiu, vô số chùm hạt đen tròn bóng bẩy chờ ngày được thu hái. Không khí thu hoạch cào cào rộn ràng cả góc làng bởi tiếng nói cười của các chị, các mẹ. Chị Đinh Thị Prah (làng Mơ Hven) hào hứng chia sẻ: “Cây cào cào cũng giống như cây bo bo hay cây lúa. Chúng tôi thường trồng cào cào trên những mảnh đất trống trong làng. Đặc biệt, hạt cào cào gặp nắng sẽ chắc hạt và ngon, còn nếu gặp mưa nhiều hạt sẽ bị lép và không còn vị béo bùi”. Mùa thu hoạch, khi chiếc gùi sau lưng người phụ nữ Bahnar tràn đầy những hạt cào cào chắc mẩy cũng là lúc mặt trời đã khuất sau dãy núi cuối làng.
Cào cào sau khi thu hoạch về sẽ được phơi khô và đập ra để tách hạt. Theo tính toán, cứ 1 sào cào cào sẽ cho thu 50 kg hạt, là nguyên liệu của 10 ghè rượu ngon. Hạt cào cào sau khi đập ra được đưa vào cối giã, loại hết vỏ rồi nấu như nấu cơm. Tiếp đó, những người phụ nữ Bahnar sẽ ủ chúng cùng men truyền thống. Qua một đêm ủ men, cào cào được đưa vào ghè, lấy lá chuối đậy kín và để riêng ra một góc nhà sàn, sau 1-2 tháng mới đem ra sử dụng. Rượu cào cào càng ngon và đậm đà hơn nếu để trên 1 năm. “Không ai còn nhớ rượu cào cào có từ bao giờ, nhưng trong mỗi gia đình Bahnar ở Kông Lơng Khơng không thể thiếu ghè rượu cào cào mỗi khi nhà có khách đến thăm hay mỗi dịp lễ hội. Rượu cào cào rất thơm, dễ uống, uống lại khó say nên những câu chuyện trong các cuộc vui cứ tuôn mãi không có hồi kết”-già làng Đinh Glim (làng Mơ Hven) tự hào kể.
 
Chị Đinh Thị Len-Bí thư chi bộ làng Mơ Hven (xã Kông Lơng Khơng): “Trong làng mình cũng còn trên 10 chị em duy trì việc trồng cào cào để làm rượu. Quy trình làm rượu cào cào công phu hơn các loại rượu ghè khác nên cũng ít người làm. Tuy nhiên, các bà, các chị trong làng đang tích cực truyền dạy công thức làm rượu cào cào cho thế hệ con cháu. Lưu giữ được những ghè rượu có hương vị riêng của dân tộc mình là mong muốn của chúng tôi”.
 TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm