Khoa học - Công nghệ

Ấn Độ trở thành quốc gia đầu tiên đặt chân lên cực Nam của Mặt trăng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 41 ngày kể từ ngày 14-7, tên lửa đẩy Launch Vehicle Mark-III (LVM-3) đã đưa tàu đổ bộ Chandrayaan-3 của Ấn Độ hạ cánh thành công xuống Mặt trăng vào lúc 18 giờ 04 (theo giờ New Delhi) vào ngày 23-8.

Như vậy, Ấn Độ đã làm nên lịch sử khi trở thành quốc gia đầu tiên có tàu thám hiểm hạ cánh xuống cực Nam của Mặt trăng. Sự kiện diễn ra chỉ vài ngày sau khi 1 tàu Luna-25 của Nga thực hiện nhiệm vụ tương tự đã không thành công.

Hình ảnh Mặt trăng do tàu vũ trụ Ấn Độ chụp được

Hình ảnh Mặt trăng do tàu vũ trụ Ấn Độ chụp được

Ngay thời điểm chính xác khi tàu đổ bộ Chandrayaan-3 chạm xuống cực Nam của mặt trăng, Đài NDTV cho biết Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) đã kỷ niệm sự kiện lịch sử này bằng một bài đăng trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) lúc 18 giờ 4 phút chiều 23-8 (giờ New Delhi). “Sứ mệnh Chandrayaan-3: Ấn Độ, tôi đã đến đích và bạn cũng vậy! Chandrayaan-3 đã hạ cánh mềm thành công trên mặt trăng! Xin chúc mừng, Ấn Độ”-ISRO thông báo.

Bà Carla Filotico-Giám đốc điều hành tại Spacetec Partners chia sẻ: “Điều quan trọng là được cả thế giới công nhận. Ấn Độ sẽ nằm trong số rất ít quốc gia có thể đặt chân lên Mặt trăng. Hiện chỉ có Mỹ, Nga và Trung Quốc mới có thể làm được điều đó, Ấn Độ sẽ là quốc gia thứ tư hạ cánh xuống Mặt trăng nhưng là quốc gia đầu tiên đặt chân lên cực Nam. Đây sẽ là niềm tự hào dân tộc cũng như nguồn cảm hứng cho thế hệ tương lai”.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dù đang ở Nam Phi dự hội nghị thượng đỉnh BRICS cũng gửi lời chúc mừng toàn bộ nhóm ISRO qua cuộc gọi video. Ông nói: “Chúng ta đang chứng kiến chặng đường mới của một đất nước Ấn Độ mới. Lịch sử mới đã được viết nên”.

Thông tin về nhiệm vụ Mặt Trăng Chandrayaan-3 của Ấn Độ. Đồ họa: AFP

Thông tin về nhiệm vụ Mặt Trăng Chandrayaan-3 của Ấn Độ. Đồ họa: AFP

Tàu Chandrayaan-3 của Ấn độ được phát triển với vốn đầu tư khoảng 75 triệu USD-con số khiêm tốn so với các cường quốc vũ trụ. Chandrayaan-3 mang theo tàu đổ bộ Vikram và xe tự hành Pragyan. Theo kế hoạch, chúng sẽ duy trì hoạt động ở cực nam Mặt trăng trong 2 tuần, thực hiện một loạt thí nghiệm bao gồm phân tích quang phổ về thành phần khoáng chất của bề mặt khu vực này.

Có thể bạn quan tâm