Khoa học - Công nghệ

Bí ẩn khoa học

'Hóa thạch rồng' xuất hiện ở Trung Quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sinh vật giống rồng được tìm thấy dưới dạng hóa thạch ở Vân Nam - Trung Quốc thuộc về dòng dõi "bò sát đầu khủng khiếp".

Các nhà cổ sinh vật học làm việc tại thành hệ Guanling thuộc làng Waina, tỉnh Vân Nam - Trung Quốc đã tìm thấy bộ xương hóa thạch của một sinh vật có chiếc đuôi dài uốn lượn, đại diện cho cơ thể kỳ dị với chiếc cổ thậm chí còn dài hơn nhiều.

Nếu không có phần thân bò sát chính giữa, con quái vật sẽ y hệt một con rồng trong thần thoại Trung Quốc, vùng vẫy trong siêu đại dương Tethys kỷ Tam Điệp.

"Hóa thạch rồng" được tìm thấy ở Vân Nam - Trung Quốc - Ảnh: Vertebrata PalAsiatica
"Hóa thạch rồng" được tìm thấy ở Vân Nam - Trung Quốc - Ảnh: Vertebrata PalAsiatica

Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi TS Wei Wang từ Viện Cổ sinh vật học động vật có xương sống thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc đã xác định đó là một loài mới, thuộc về một chi cũng hoàn toàn mới trong dòng dõi quái vật Dinocephalosaurus.

Nó được đặt tên là Austronaga minuta, một loài bò sát biển sống khoảng 244 triệu năm về trước.

Tên Latin của dòng dõi mà con quái vật thuộc về - Dinocephalosaurus - có nghĩa là "bò sát đầu khủng khiếp", phần nào đã mô tả được mức độ đáng sợ của các sinh vật dạng này.

Chúng có một chiếc đầu mang hàm răng nguy hiểm của kẻ săn mồi, gắn trên một phần cổ rất dài, có thể gấp đôi phần thân còn lại, và một chiếc đuôi cũng rất dài.

Nhưng về cơ bản, loài này và các "bò sát đầu khủng khiếp" khác vẫn là thành viên của nhóm khủng long chân thằn lằn thuộc lớp bò sát cổ đại Archosauromorpha.

Loài bò sát cổ đại này là loài chị em của Dinocephalosaurus orientalis, cũng sống vào kỷ Tam Điệp và từng được tìm thấy ở Trung Quốc trước đây.

Bài công bố trên tạp chí khoa học Vertebrata PalAsiatica cho biết con quái vật hóa thạch ở Vân Nam là một loài thuộc cỡ nhỏ trong dòng dõi của nó.

Nhưng điều đó không có nghĩa là nó không nguy hiểm so với các loài cùng thời, bởi những loài khủng long sơ khai kỷ Tam Điệp đều rất nhỏ.

Phần hóa thạch được tìm thấy bao gồm chiếc đuôi gần như hoàn chỉnh với tận 60 đốt sống cho thấy khả năng vận động linh hoạt, cũng như toàn bộ hộp sọ và một phần cổ.

Bấy nhiêu cũng đủ để các nhà nghiên cứu xác định nó là Dinocephalosaurus, nhóm quái vật cổ đại thường được các nhà khoa học Trung Quốc ví von như rồng biển.

Cũng có khả năng nó không sống hoàn toàn trong nước mà là một loài lưỡng cư dành phần nhiều thời gian trong nước, điều mà các nhà khoa học sẽ cần tìm hiểu thêm bằng cách tìm kiếm thêm các mẫu vật tương tự.

Theo Anh Thư (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm