Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Ẩn họa lở núi vẫn còn treo trên đầu người dân Quảng Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đến cuối giờ chiều 30.10, tại Quảng Nam vẫn còn đến 13 người mất tích trong các vụ sạt lở núi. Trong đó, 14 người chưa tìm thấy dưới đống đổ nát ở nóc ông Đề (Nóc tương đương với Làng), xã Trà Leng, 1 người khác ở xã Trà Mai, huyện Nam Trà My. Phía tây bắc huyện này, vẫn còn 6 người dân ở xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn vẫn chưa được tìm thấy trong số 11 người bị sạt núi vùi lấp hôm 28.10. Hai cán bộ xã này vẫn mất tích trên dòng sông Đắk Mi... Đáng nói là mưa lớn lại xuất hiện, núi đồi lại sạt lở khắp nơi. Ẩn họa vẫn còn treo lơ lửng trên đầu dân các huyện miền núi...

Vẫn còn 14 nạn nhân chưa tìm thấy trong vụ sạt núi, vùi lấp 55 người ở thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My. Ảnh: Thanh Chung
Vẫn còn 14 nạn nhân chưa tìm thấy trong vụ sạt núi, vùi lấp 55 người ở thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My. Ảnh: Thanh Chung



Sạt núi chồng lên nhau

Đã qua 3 ngày xảy ra thảm họa sạt núi, ở thôn 1 xã Trà Lăng, huyện Nam Trà My, nơi 55 người bị vùi lấp, 33 người thoát chết trong thương tích nặng nề thì mới tìm thấy 8 thi thể. Vẫn còn 14 người mất tích. Lực lượng chức năng cũng đã thông đường đến hiện trường và tiếp ứng lương thực thực phẩm và máy móc, nhưng công việc tìm kiếm vẫn còn chất ngất khó khăn.

Thượng úy chuyên nghiệp Nguyễn Đắc Huy - Lữ đoàn Công binh 270, Quân Khu V - cho biết, khi dùng máy cắt sắt để cắt những thanh sắt trong các đống đổ nát, anh phải rất cẩn thận, lo lắng vì còn nhiều thi thể phía bên dưới. Dù máy móc đang tiếp cận hiện trường nhưng do vụ sạt lở quá lớn đã sang bằng mọi thứ nên cũng không giúp được nhiều.

Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến - Phó Tư lệnh Quân khu 5 - cho biết, đã huy động hơn 500 người tham gia tìm kiếm các nạn nhân mất tích. Lực lượng công an, quân đội tích cực tìm kiếm bằng mọi cách, đồng thời bằng kinh nghiệm của mình đánh dấu những nơi nguy cơ có người bị chôn lấp để đào. Bộ Quốc phòng đã tăng cường đội chó nghiệp vụ vào hiện trường. Tất cả thật khẩn trương vì thời tiết trong những ngày tới mưa to sẽ rất khó tìm kiếm.

Trong khi đó, sáng 30.10, ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - cho biết ở xã Trà Mai lại xảy ra vụ sạt núi khác, 1 người mất tích, 1 bị thương nặng. Nạn nhân mất tích là Hồ Văn Điều, người bị thương là Hồ Văn Diện. Ông Châu Minh Nghĩa - Chủ tịch xã UBND Trà Mai (huyện Nam Trà My), đã huy động 100% lực lượng để tìm kiếm tung tích nạn nhân mất tích trong vụ sạt núi. Tại Trà Mai đang xuất hiện những trận mưa lớn cùng với hàng loạt điểm sạt lở khiến công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết lực lượng cứu hộ tìm kiếm xuyên đêm ở khu vực bị đất đá vùi lấp tại thôn 1, xã Trà Leng nhưng cũng chỉ phát hiện thêm hai thi thể trong ngày 30.10

Cứu đói người sống sót và đề phòng vụ sạt lở mới

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh trong ngày 30.10 cũng chỉ huy một cánh quân khác, lập sở chỉ huy tiền phương tại xã Phước Công, huyện Phước Sơn để cứu nạn 11 người mất tích ở Phước Lộc và giải cứu hơn 200 công nhân ở thủy điện Đăk Mi 2. Tuy vậy, mưa to, sạt lở tắc đường đã làm mọi nỗ lực phải dừng lại. May mắn là số công nhân an toàn, được tiếp tế lương thực. Vì vậy, ông Thanh chỉ đạo phải cứu đói và lo an nguy cho những người dân sống sót. Không để phải thiếu đói, thiếu nơi an trú tạm thời. Đường cắt thì phát huy 4 tại chỗ. Đây cũng là chỉ đạo chung, áp dụng cho các huyện miền núi Quảng Nam đang trước nguy cơ sạt núi khắp nơi.

Trong khi đó, chiều 30.10, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai vừa có công điện gửi các tỉnh, thành phố về việc tăng cường ứng phó lũ quét, sạt lở đất. Cảnh báo diễn biến mưa lớn nên khu vực miền núi phía Bắc và miền Trung - Tây Nguyên đã chịu thiệt hại lớn, đặc biệt là sạt lở đất, lũ quét nghiêm trọng tại nhiều địa phương. Chỉ đạo các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát các nhà dân, cơ sở hạ tầng có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng lũ quét, sạt lở đất, các hộ dân sống ven sông, suối; kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường, các sự cố, cắm biển cảnh báo nguy hiểm, bố trí lực lượng kiểm soát, kiên quyết không để người dân ở lại những khu vực đã xác định có nguy cơ lũ quét, sạt lở cao. Khẩn cấp các phương án phòng chống lũ quét, sạt lở đất và chủ động di dời dân cư ra khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở, sẵn sàng nhân lực, vật tư trang thiết bị theo phương châm 4 tại chỗ đảm bảo kịp thời tiếp cận ứng cứu khi có tình huống xảy ra, nhất là lũ quét, sạt lở đất trên phạm vi rộng; bảo đảm an toàn hồ đập và xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.

 


* Trong vụ sạt lở ở Trà Leng - huyện Nam Trà My đã vùi lấp 15 hộ dân, với 55 nhân khẩu. Đến cuối ngày 30.10, đã cứu 33 người. 8 người tử vong: Hồ Văn Hùng, Hồ Thị Mai, Hồ Văn Thanh, Hồ Thị Đức, Hồ Văn Công, Hồ Viết Mười, Lê Công Huy, Nguyễn Thị Tường Vy.

- 14 người mất tích: Lê Hoàng Việt, A Rất Hà, Hồ A Rất Thái Hữu, Hồ Thị Thắm, Hồ Quang Tuyền, Hồ thị Ân, Trần Cao Nam, Trần Văn Tăng, Võ Ngọc Vinh, Nguyễn Thị Lệ Xoan, Nguyễn Thị Mai Khiếu, Nguyễn Văn Khuê, Hồ Thị Mai Ly, Hồ Thị Then.

https://laodong.vn/xa-hoi/an-hoa-lo-nui-van-con-treo-tren-dau-nguoi-dan-quang-nam-850340.ldo


Theo Thanh Chung-Thanh Hải (LĐO)

Có thể bạn quan tâm