Ẩn họa tai nạn lao động trong xây dựng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vụ sập giàn giáo khiến 2 người thương vong xảy ra tại TP. Pleiku trưa 10-6 tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ tai nạn lao động trong ngành xây dựng.
Tai nạn kinh hoàng
Khoảng 11 giờ ngày 10-6, tại căn nhà đang xây dựng ở địa chỉ 13/26 đường Chu Văn An (tổ 5, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) đã xảy ra vụ sập giàn giáo khiến ông Huỳnh Công Bằng (SN 1965, trú tại hẻm 322, đường Lê Lợi, phường Hội Thương, TP. Pleiku) tử vong tại chỗ, ông Nguyễn Đức Quang (SN 1967, trú tại phường Hoa Lư, TP. Pleiku) bị thương nặng. 
Chị Cao Thị Huyền (trú tại phường Tây Sơn, TP. Pleiku), người phụ hồ cho công trình này, vẫn thất thần khi nhớ lại khoảnh khắc vụ tai nạn xảy ra. Chị Huyền cho biết: Khoảng 6 giờ 30 phút, sau khi ăn sáng, mọi người bắt đầu tập trung đổ bê tông tầng trệt căn nhà. Đến khoảng 10 giờ thì tại khu vực giàn giáo đỡ lớp bê tông xuất hiện tiếng kêu rắc rắc của những tấm ván gỗ. Sau đó, ông Bằng (chủ thầu của công trình) đã đến kiểm tra và phát hiện một phần bê tông bị sụt lún dẫn đến cong vênh. “Ông Bằng bảo mọi người mang thêm các thanh chống bằng sắt vào để gia cố, nâng phần sụt lún lên. Nhưng khi mọi người đang chuẩn bị làm lại thì tiếp tục nghe có tiếng răng rắc, tôi vội hô hoán thật to cho mọi người bỏ chạy. Nhưng lớp bê tông đổ xuống nhanh quá, chỉ khoảng chưa đầy 3 giây đã sập xuống hoàn toàn. Ông Bằng và ông Quang chưa kịp chạy ra ngoài nên bị lớp bê tông đè lên”-chị Huyền nhớ lại. 
 Lực lượng cứu hộ tìm kiếm người bị nạn trong vụ sập giàn giáo tại phường Phù Đổng (TP. Pleiku) ngày 10-6. Ảnh: V.N
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm người bị nạn trong vụ sập giàn giáo tại phường Phù Đổng (TP. Pleiku) ngày 10-6. Ảnh: V.N
Nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) đã huy động hàng chục cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường để thực hiện công tác cứu hộ. Do vụ việc nghiêm trọng, các lực lượng khác như: Cảnh sát Cơ động Công an tỉnh, Công an TP. Pleiku, dân quân phường Phù Đổng… cũng được điều tới hiện trường. Đến khoảng 11 giờ 30 phút cùng ngày, lực lượng cứu hộ đã đưa được ông Quang ra ngoài rồi chuyển đi cấp cứu tại bệnh viện. Riêng ông Bằng bị vùi lấp dưới lớp bê tông cốt thép rộng hơn 40 m2, dày khoảng 10 cm. Xác định nạn nhân đang nguy hiểm đến tính mạng, lực lượng cứu hộ đã sử dụng nhiều máy móc hiện đại để khoan cắt lớp bê tông, nhanh chóng tìm nơi ông Bằng bị vùi lấp. Đến khoảng 13 giờ 30 phút, lực lượng cứu hộ phát hiện ông Bằng đã tử vong, thi thể bị biến dạng do bê tông đè lên người. Đến khoảng 14 giờ, lực lượng cứu hộ mới đưa được thi thể nạn nhân ra ngoài. Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, tại thời điểm sập giàn giáo, có khoảng 18 người đang thi công tại công trình này nhưng hầu hết đều kịp thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. 
Chưa quan tâm đến an toàn lao động
Vụ tai nạn thương tâm trên thêm một lần nữa gióng hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn lao động trên địa bàn tỉnh ta. Ông Nguyễn Hữu Tùng-Phó Trưởng phòng Lao động-Việc làm (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) chia sẻ: Hàng năm, Sở vẫn tiến hành thanh tra, kiểm tra từ 40 đến 50 doanh nghiệp về việc tuân thủ pháp luật liên quan đến an toàn vệ sinh lao động. Ngoài những mặt tích cực, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ còn vi phạm các lỗi như chưa tổ chức huấn luyện cho người lao động về an toàn lao động, chưa trang bị các phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động, không tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật… “Vẫn còn nhiều nơi chỉ chú trọng đến sản xuất, kinh doanh để mang lại nguồn lợi kinh tế mà chưa thực sự quan tâm đến việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực này nên có tình trạng qua loa, đối phó với cơ quan quản lý nhà nước. Từ đó, nguy cơ xảy ra tai nạn lao động vẫn tồn tại”-ông Tùng cho biết. 
Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Minh-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý chất lượng (Sở Xây dựng) cho hay, trong tháng 5, Sở đã tổ chức “Tháng Hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2019”. Bên cạnh đó, Sở cũng thường xuyên phối hợp cùng Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức tuyên truyền, kiểm tra an toàn tại một số công trình đang thi công, đặc biệt là về vấn đề an toàn giàn giáo, an toàn đến các công trình lân cận. Ông Minh khẳng định: “Trong năm 2018 và đầu năm 2019, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ tai nạn lao động nào liên quan đến ngành xây dựng. Qua các đợt kiểm tra cho thấy, hầu hết chủ đầu tư đều tuân thủ tốt các tiêu chuẩn an toàn. Tuy nhiên, vẫn còn một số nơi chưa thực sự quan tâm đến việc bảo hộ cho người lao động. Sở đã tiến hành nhắc nhở, yêu cầu các đơn vị này phải tuân thủ nghiêm túc. Còn việc cấp phép xây dựng cho các công trình đều đã được phân cấp rõ ràng. Với những công trình xây dựng dân dụng thì chính quyền địa phương sẽ cấp phép và tiến hành giám sát. Qua kiểm tra, Sở nhận thấy các địa phương đều rất chú trọng đến việc đảm bảo an toàn trong xây dựng”.
Liên quan đến vụ tai nạn sập giàn giáo tại phường Phù Đổng, ông Minh cho biết, ngay sau khi vụ việc xảy ra, Phòng Quản lý chất lượng (Sở Xây dựng) đã có mặt tại hiện trường để cùng các lực lượng chức năng xác minh, làm rõ, đồng thời có báo cáo gửi UBND tỉnh. 
LÊ VĂN NGỌC

Có thể bạn quan tâm