Hiểm nguy rình rập
Chị Kpă Dol (SN 1979, làng Lân, xã Ia Kly, huyện Chư Prông) đã 4 lần sinh con tại nhà. Chị Dol chia sẻ: “Do đi lại khó khăn, kinh tế thiếu thốn nên mình chọn sinh con tại nhà. Lần sinh thứ 5 này, mình đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để sinh”.
Trong khi đó, từng chứng kiến người quen gặp nguy hiểm khi sinh con tại nhà nên chị Ther (làng Đak Trôk, xã Đak Yă, huyện Mang Yang) đã đến cơ sở y tế để sinh con. Chị Ther cho biết: “Ban đầu, tôi cũng tính sinh con tại nhà nhưng sợ rủi ro nguy hiểm cho mẹ và con. Ở làng đã từng có trường hợp sinh con tại nhà gặp nguy hiểm và may mắn thoát nạn. Vì thế, tôi quyết định sinh tại bệnh viện để đảm bảo an toàn”.
Chị Kpă Dol (làng Lân, xã Ia Kly, huyện Chư Prông) đã có 4 lần sinh con tại nhà. Ảnh: Như Nguyện |
Tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, không ít phụ nữ mang thai chọn sinh đẻ tại nhà. Họ cũng ít đi thăm khám thai định kỳ nên nhiều trường hợp không phát hiện bất thường, nguy hiểm trong thai kỳ dẫn đến gia tăng nguy cơ sinh khó, thậm chí có nguy cơ tử vong. Xã Đê Ar (huyện Mang Yang) là một trong những địa phương ghi nhận nhiều ca tử vong trẻ sơ sinh do sinh tại nhà. Từ năm 2022 đến nay, xã này đã có 4 ca tử vong chu sinh (hiện tượng tử vong thai nhi và sơ sinh từ trước, trong và sau đẻ 7 ngày có tuổi thai từ tuần 22, chiều dài từ 25 cm và cân nặng từ 500 gram khi đẻ trở lên).
Bà Lê Thị Nguyệt-Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đê Ar-chia sẻ: Người dân còn có thói quen sinh đẻ thuận tự nhiên và thường chọn sinh con tại nhà chứ ít khi đến cơ sở y tế. Cả xã chỉ có 2 cô đỡ. Năm 2022, xã có 104 phụ nữ sinh con thì gần 90% chọn sinh con tại nhà; chỉ có 46 người khám thai đúng định kỳ và 43 người có nhân viên y tế đến đỡ đẻ tại nhà. “4 ca tử vong chu sinh đều do nguyên nhân mang thai ngôi ngược, ngạt sau đẻ tại nhà. Có trường hợp thai phụ khám thai thường xuyên, siêu âm và bác sĩ đã cảnh báo nguy hiểm nếu sinh con tại nhà. Tuy nhiên, sản phụ không nghe lời khuyên nên dẫn đến vụ việc đau lòng”-bà Nguyệt cho hay.
Đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi nhận thức
Hiểm nguy của việc sinh con tại nhà luôn hiện hữu nhưng để thay đổi được thói quen này thì không hề dễ dàng. Theo bà Nguyệt, muốn thay đổi thói quen, nhận thức của người dân trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và vấn đề sinh đẻ tại nhà rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó, những người có uy tín, già làng, trưởng thôn đóng vai trò quan trọng. Công tác tuyên truyền, vận động người dân sinh con tại cơ sở y tế phải thực hiện thường xuyên, liên tục, bằng nhiều hình thức. Bên cạnh đó, cần đào tạo thêm cô đỡ, cung cấp các gói đỡ đẻ sạch, hỗ trợ kinh phí cho các bà mẹ đi khám thai, sinh đẻ tại cơ sở y tế. Những trường hợp nguy cơ thì áp dụng biện pháp phù hợp đưa đến cơ sở y tế để sinh nhằm tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Các bác sĩ khuyến cáo thai phụ cần khám thai định kỳ và sinh tại cơ sở y tế để đảm bảo an toàn. Ảnh: Như Nguyện |
Thời gian qua, ngành Y tế cũng đã triển khai nhiều giải pháp khác nhằm giảm thiểu tử vong mẹ và con khi sinh con tại nhà. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đến nay, bằng nhiều nguồn, toàn tỉnh đã đào tạo được 219 cô đỡ thôn bản, trong đó có 114 người vừa thực hiện nhiệm vụ cô đỡ vừa là nhân viên y tế.
Ngoài ra, để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản, giảm thiểu nguy cơ tử vong khi sinh tại nhà, theo bác sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo-Trưởng khoa Sản (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), cần tăng cường năng lực và kỹ năng cấp cứu sản, chuyển viện an toàn cho tuyến huyện. Đồng thời, tăng cường vật tư y tế, trang-thiết bị, năng lực, nhân lực về hồi sức cấp cứu cho các khoa: sản ICU, gây mê hồi sức khả năng làm việc nhóm với cường độ và áp lực cao khi có cấp cứu, các ca bệnh nặng đe dọa tử vong... “Để đảm bảo an toàn trong thai kỳ và quá trình sinh đẻ, thai phụ cần khám thai định kỳ và sinh con tại cơ sở y tế để đảm bảo an toàn”-bác sĩ Thảo khuyến cáo.