Nhiều năm qua, mặc dù được Nhà nước quan tâm hỗ trợ trong việc khám- chữa bệnh, xây dựng trạm y tế cơ sở và tăng cường bổ sung đội ngũ y- bác sĩ có chuyên môn về tận các thôn làng vùng sâu, vùng xa, thế nhưng việc đến cơ sở y tế để khám- chữa bệnh, đặc biệt khi sinh nở vẫn chưa trở thành thói quen của nhiều người.
Trong một dịp tình cờ, tại Trạm Y tế xã Al Bá (Chư Sê, Gia Lai) chúng tôi thấy cán bộ y tế đang cấp thuốc cho 2 mẹ con là người địa phương đến khám bệnh. Sau một lúc thăm khám mẹ con chị Khơk- sống tại làng Ia Choan cho biết: Do không đảm bảo vệ sinh cho con và cả mẹ nên toàn người cháu bé và mẹ nổi rất nhiều đốm trắng, đỏ gây ngứa và đã chữa bằng nhiều cách nhưng không khỏi nên mới đến Trạm Y tế nhờ y- bác sĩ giúp đỡ. Không chỉ thế, cháu Rơmah Khang gần 1 tuổi cũng chưa một lần được tiêm chủng theo chương trình tiêm chủng mở rộng của Bộ Y tế. Đáng quan tâm hơn, từ khi mang thai đến lúc sinh con, chị Khơk chưa một lần đi khám, khi sinh thì gia đình gọi người làng đến giúp.
Đây không là trường hợp cá biệt mà trở nên phổ biến tồn tại từ bao đời nay tại các thôn làng.
Chị Khơk được cán bộ hướng dẫn sử dụng thuốc tại Trạm Y tế xã Al Bá (Chư Sê). Ảnh: Nguyễn Giác |
Chị Trần Thị Ngoãn- cán bộ nữ hộ sinh Trạm Y tế xã Al Bá cho biết: Tổng số ca sinh đến nay trong toàn xã là 143 trẻ, nhưng trong đó số trẻ sinh tại trạm và có sự hỗ trợ của các thiết bị y tế đảm bảo vô trùng chưa đến 1/5, số còn lại đều sinh tại nhà qua sự giúp đỡ của người già với phương pháp hỗ trợ trước và sau sinh không mấy an toàn cho cả mẹ và con.
Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Mạc Văn Thắng- Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Sinh sản tỉnh Gia Lai cho biết: Nếu thai phụ không đến cơ sở y tế để sinh và được hỗ trợ về chuyên môn thì mức độ nguy hiểm dẫn đến tử vong cho cả mẹ và bé là không thể lường trước. Thai phụ có thể dẫn đến tai biến trong lúc chuyển dạ kéo dài dẫn đến suy thai, gây nguy hiểm cho thai nhi, bị uốn ván rốn sơ sinh do sử dụng dụng cụ cắt rốn không được vô trùng và băng huyết dễ dẫn đến tử vong đối với thai phụ sau khi sinh… là những tình huống có thể xảy ra và chỉ có thể ngăn chặn được nếu có sự can thiệp kịp thời về vật tư và cán bộ y tế cơ sở ngay từ lúc đầu.
Để giảm bớt rủi ro, nhiều năm qua đã có gần 400 chị em, đa phần là cán bộ làm công tác phụ nữ trên địa bàn được tham gia học tập lớp “Nữ hộ sinh dân tộc thiểu số” do Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ- TP. Hồ Chí Minh tổ chức trong thời gian 6 tháng và bổ sung kiến thức hàng năm. Chương trình đã phát huy hiệu quả một cách tích cực, các cán bộ hoàn thành lớp học trở về làm “bà đỡ dân gian” tích cực, vì họ rất gần gũi với dân làng, khi có thai phụ chuẩn bị sinh thì tiếng nói của bà đỡ này rất được tin tưởng. Không ít sản phụ nghe theo “bà đỡ” đến cơ sở y tế để sinh và được hỗ trợ kịp thời, nhất là khi có tình huống khó khăn.
Theo số liệu tổng hợp từ Sở Y tế: Đến nay, 100% số xã trên địa bàn tỉnh đã có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi, 219 xã, phường, thị trấn có cơ sở y tế và 1.895 nhân viên y tế làm việc trực tiếp tại các thôn, làng. |
Là một trong những “bà đỡ dân gian” về làng, chị Đinh Thị Ngọc- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đak Tơ Pang, huyện Kông Chro cho biết: Năm 2005, tôi và hơn 40 phụ nữ tại các thôn làng trong tỉnh tham gia học “lớp nữ hộ sinh dân tộc thiểu số” tại TP. Hồ Chí Minh, do Bệnh viện Từ Dũ tổ chức và tài trợ hoàn toàn kinh phí. Sau thời gian 6 tháng giảng dạy và cho tham gia trực tiếp các ca sinh tại bệnh viện. Chúng tôi đã có được những kiến thức và kỹ năng nhất định, có thể tham gia hộ sinh cho một ca khó kéo dài trong vài giờ đồng hồ. Đến nay sau 4 năm làm công tác phụ nữ và kiêm luôn nhiệm vụ bà đỡ tại xã, mỗi khi trong làng thông báo về một ca sắp sinh mà không có điều kiện đến cơ sở y tế là tôi đến ngay để hỗ trợ. Kiến thức được học và tôi luyện trong thực tế, chị Ngọc đã luôn tận tụy với công việc và đã giúp hàng trăm chị em sinh nở an toàn.
Sinh đẻ tại nhà, thực tế hãy còn là mối lo của toàn xã hội, khi tập quán lạc hậu còn đeo bám người dân.
Nguyễn Giác