Điểm đến Gia Lai

An Khê: Quan tâm hỗ trợ hợp tác xã

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian gần đây, thị xã An Khê đã quan tâm hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã (HTX), từ đó tạo động lực giúp các HTX hoạt động hiệu quả.
Phát huy vai trò HTX
Đầu năm 2018, HTX Nông nghiệp Tú An 1 (xã Tú An) chính thức đi vào hoạt động, thu hút 52 thành viên tham gia với tổng số vốn 228 triệu đồng. Ông Lê Văn Bộ-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX-cho biết: Sau khi đi tham quan, học tập mô hình  HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012 và được thị xã tạo điều kiện, HTX Nông nghiệp Tú An 1 đã đưa ra phương thức hoạt động với 2 loại hình kinh doanh là cung cấp vật tư nông nghiệp, thu gom, bốc xếp, vận chuyển mì, mía nguyên liệu cung ứng cho các nhà máy trên địa bàn và sản xuất nông nghiệp.
Theo ông Bộ, từ nguồn hỗ trợ kinh phí của thị xã An Khê và vốn góp của các thành viên, HTX đã đầu tư mua trang-thiết bị, máy móc, làm nhà màng, trồng cây dược liệu cà gai leo, thảo huyết minh; trồng rau thủy canh, rau củ thổ canh và ươm giống măng tây. Ông Bộ chia sẻ: “Tháng 11-2018, HTX bắt tay vào ươm 16.000 cây măng tây. Khi cây non đạt tiêu chuẩn, HTX bán 4.000 cây cho người dân thu về hơn 20 triệu đồng. Số cây còn lại giao cho 3 thành viên của HTX trồng”. 
Từ nguồn vốn góp của các thành viên và kinh phí hỗ trợ của thị xã An Khê, HTX Nông nghiệp Tú An 1 đã trồng cà gai leo, tiến tới sản xuất trà túi lọc. Ảnh: N.M
Chị Đỗ Thị Phương (thôn Tú Thủy 2, xã Tú An) nói: “Đầu năm 2019, HTX Nông nghiệp Tú An 1 hỗ trợ cho gia đình tôi 4.000 cây măng tây và hướng dẫn cách làm đất, kỹ thuật trồng, chăm sóc và cam kết bao tiêu sản phẩm. Tôi quyết định chuyển đổi 2 sào mía sang trồng măng tây. Đến nay, vườn măng tây đã cho thu đọt. Sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình tôi thu về hơn 10 triệu đồng/tháng”.
Thông tin về kết quả hoạt động của HTX, ông Bộ phấn khởi: “Năm 2018, HTX không chỉ tạo việc làm cho trên 60 lao động địa phương với mức lương 3 triệu đồng/tháng, chi trả chi phí cho Ban Quản trị mà cuối năm còn có lãi gần 90 triệu đồng. Tuy lợi nhuận chưa cao nhưng đây là nguồn động viên khích lệ tinh thần cho các thành viên trong HTX”. 
Tăng cường hỗ trợ
Thị xã An Khê hiện có 9 HTX: 6 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và 3 HTX hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Ông Huỳnh Ngọc Mỹ-Trưởng phòng Kinh tế thị xã An Khê-cho biết: Năm 2018, thị xã xuất kinh phí trên 172 triệu đồng phối hợp với Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và PTNT II tổ chức củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX Dịch vụ Nông nghiệp An Bình; hỗ trợ hơn 300 triệu đồng để HTX Dịch vụ Nông nghiệp An Bình và HTX Nông nghiệp Tú An 1 đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, phát triển kinh tế hợp tác, HTX gắn với phát triển cộng đồng dựa vào nội lực.
Ngoài ra, thị xã An Khê còn tập trung triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản trị, quy trình sản xuất cho cán bộ quản lý HTX nông nghiệp và thành viên HTX; mở lớp đào tạo giám đốc HTX nông nghiệp cho 25 cán bộ trẻ ở các HTX. Cùng với đó, nhằm tạo điều kiện cho các HTX nông nghiệp tham gia hoạt động một số dịch vụ phục vụ sản xuất, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống của thành viên, UBND các xã, phường đã giao cho HTX Nông nghiệp Tú An 1, HTX Nông nghiệp-Thương mại và Dịch vụ Xuân An, HTX Kinh doanh Dịch vụ tổng hợp Nông nghiệp An Phú, HTX Dịch vụ Nông nghiệp An Bình… thực hiện quản lý, khai thác công trình thủy lợi, dịch vụ thu gom rác thải, chợ nông thôn và các dịch vụ khác phù hợp với năng lực hiện tại. 
Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và hỗ trợ phát triển sản xuất đối với HTX, thị xã đã hỗ trợ cho HTX Nông nghiệp Tú An 1 tổng cộng 200 triệu đồng để sản xuất trà túi lọc cà gai leo. “Thời gian tới, thị xã tiếp tục hỗ trợ hơn 300 triệu đồng cho HTX Nông nghiệp Tú An 1 để xây dựng mô hình thí điểm HTX phát triển có hiệu quả theo hướng sản xuất ứng dụng tưới nhỏ giọt; phối hợp với Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và PTNT II hỗ trợ HTX Dịch vụ Nông nghiệp An Bình thực hiện củng cố, kiện toàn bộ máy”-ông Mỹ thông tin thêm.
 NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm