Kinh tế

Nông nghiệp

An Khê: Ưu tiên giống lúa ngắn ngày để tránh mưa bão

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những ngày này, bà con nông dân ở thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để gieo trồng lúa vụ mùa theo đúng tiến độ đề ra. Trong đó, thị xã ưu tiên sử dụng giống lúa chất lượng cao, ngắn ngày để tránh thiệt hại do mưa bão vào cuối vụ.
Gieo sạ theo lịch thời vụ
Sau khi thu hoạch xong vụ Đông Xuân, bà con nông dân bắt tay ngay vào việc vệ sinh đồng ruộng, làm đất, ủ giống và chuẩn bị vật tư cần thiết để gieo sạ vụ mùa theo lịch thời vụ. Ông Đặng Phúc Trinh (tổ 3, phường An Phước) cho hay: “Gia đình tôi có 4 sào ruộng. Trong đó, hơn 3 sào phụ thuộc nước trời nên chỉ làm được lúa Đông Xuân, vụ mùa trồng bắp, trồng đậu; còn gần 1 sào thì trồng lúa 2 vụ. Sau hơn 10 ngày gieo sạ, lúa đã bén rễ nên tôi bón phân để cây sinh trưởng, phát triển. Vụ này, theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, tôi trồng giống ĐV108 để gặt sớm, tránh ảnh hưởng của mưa bão vào cuối vụ”.
Ông Phan Đình Lang (thôn An Xuân 1, xã Xuân An, thị xã An Khê) trang phẳng ruộng trước khi gieo sạ. Ảnh: Ngọc Minh
Ông Phan Đình Lang (xã Xuân An, thị xã An Khê) trang phẳng ruộng trước khi gieo sạ. Ảnh: Ngọc Minh

Trong khi đó, tại cánh đồng Cây Me (thôn An Xuân 1, xã Xuân An), ông Phan Đình Lang cũng đang gieo sạ lúa vụ mùa. Ông Lang vui vẻ nói: “Đám ruộng này có diện tích hơn 1 sào. Vụ Đông Xuân vừa rồi, gia đình tôi thu được gần 1 tấn lúa. Thu hoạch xong, tôi cày ải, phơi đất. Vừa rồi được mấy trận mưa, đất ngấm đủ nước, bừa mấy lượt là nhuyễn”.

Bà Nguyễn Thị Phúc-Chủ tịch UBND xã Cửu An-cho hay: “Theo kế hoạch, vụ mùa năm nay, toàn xã gieo trồng 195 ha lúa. Phần lớn diện tích đất ruộng phụ thuộc vào nước trời. Vừa qua, trên địa bàn xã đã có vài trận mưa nhưng lượng nước ít chưa đủ để làm đất xuống giống. Trong thời gian này, xã hướng dẫn người dân chuẩn bị giống, vật tư nông nghiệp để gieo trồng vụ mùa. Ủy ban nhân dân xã cũng đã rà soát kiểm tra nguồn nước tưới, những diện tích bị thiếu nước, chúng tôi vận động người dân chuyển sang trồng các loại cây hoa màu phù hợp. Đối với những chân ruộng xung quanh công trình Bàu Phụng, Mười Thiên, Lớn Sình thì bà con đã làm đất, chuẩn bị gieo sạ”.
Thay đổi giống lúa để tránh mưa bão
Vụ mùa 2021, thị xã An Khê gieo sạ 887 ha lúa, trong đó có 487 ha lúa 2 vụ và 400 ha lúa 1 vụ. Thời gian xuống giống đại trà tập trung từ ngày 20-5 đến 30-6 với vùng chủ động nước tưới. Còn vùng không chủ động nước sẽ xuống giống tập trung, kết thúc trong tháng 7. Cơ cấu giống lúa chủ lực: HT1, LH12, ML48, OM4900; giống lúa bổ sung là JO2, OM6976, Đài Thơm 8, ĐV108, Nhị Ưu 838, ĐT100, HN6; giống lúa triển vọng gồm: BĐR27 và RVT. Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, người dân nên gieo sạ thưa hợp lý: lúa thuần từ 80 đến 100 kg/ha, lúa lai 40-50 kg/ha. Đặc biệt, sử dụng hạt giống xác nhận đối với lúa thuần và hạt lai F1 đối với lúa lai; ưu tiên trồng giống lúa trung, ngắn ngày có năng suất, chất lượng tốt, cứng cây, chống ngã đổ để rút ngắn thời gian lúa đứng trên đồng, thu hoạch sớm để phòng tránh mưa bão vào cuối vụ.
Nông dân An Khê làm đất để gieo sạ lúa vụ mùa. Ảnh: Ngọc Minh
Nông dân An Khê làm đất để gieo sạ lúa vụ mùa. Ảnh: Ngọc Minh

Theo ông Phan Vĩnh Tấn-Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã An Khê, vụ mùa sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là mưa bão, lũ lụt. Vì vậy, cùng với việc đẩy nhanh tiến độ và chuyển đổi cơ cấu giống phù hợp, Phòng Kinh tế phối hợp với các xã, phường hướng dẫn người dân chủ động dự phòng giống lúa ngắn ngày để kịp thời khắc phục diện tích lúa bị thiệt hại do lũ lụt gây ra. Cùng với đó là làm tốt công tác dự báo, tổ chức phòng trừ sâu bệnh; rà soát kiểm tra nguồn nước tưới, những diện tích sản xuất lúa bị thiếu nước chuyển sang cây trồng phù hợp.

Bên cạnh đó, UBND thị xã đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất như quy trình canh tác “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, các tiến bộ kỹ thuật khác để giảm chi phí sản xuất như: sạ hàng, sạ thưa, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, ICM ngay từ đầu vụ.
Cũng theo ông Tấn, thời điểm này, các xã, phường cần tăng cường theo dõi tình hình sản xuất, tranh thủ thời tiết thuận lợi vận động bà con làm đất, gieo sạ lúa theo khung thời vụ đã đề ra. Sau khi gieo sạ xong thì tập trung ngay vào công tác chăm sóc, tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng và phát triển. Đồng thời, tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện các đối tượng dịch hại phát sinh trên cây lúa, có biện pháp phòng trừ kịp thời theo nguyên tắc “4 đúng” để sản xuất lúa vụ mùa năm 2021 đạt kết quả cao.
NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm