Thời sự - Bình luận

An toàn cho du khách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Lại thêm một vụ tai nạn trên đường du lịch khi nước lũ đổ về con suối ở thượng nguồn sông Đa Nhim đoạn qua xã Đa Chais, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, vào ngày 29-11 đã cuốn trôi 4 du khách. May mắn 2 du khách bám kịp vào cây và được giải cứu, còn 2 du khách vẫn đang mất tích.

Lâu nay, trên đường du lịch, nhiều du khách, nhất là những bạn trẻ đi "phượt", cũng từng xảy ra các tai nạn nghiêm trọng. Vụ lạc đường của một phượt thủ trên cung đường Tà Năng - Phan Dũng (Lâm Đồng - Bình Thuận) để rồi thiệt mạng giữa núi cao rừng thẳm vào năm 2018 từng đem lại nhiều xót xa cho người thân, bè bạn. Gần đây nhất, ngày 8-11, ôtô U-oát do tài xế người địa phương điều khiển chở theo 6 du khách đến từ TP Đà Nẵng, trên đường đi đến sông Nho Quế đoạn qua huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đã bất ngờ lao xuống vực sâu khiến 3 người chết và 4 người bị thương (trong đó có tài xế). Trước đó, vào trưa 26-7, tại khu vực cầu Trạ Ang (đường Hồ Chí Minh nhánh Tây) thuộc địa phận thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, chiếc xe chở đoàn cựu học sinh một trường cấp III tại TP Đồng Hới đi tham quan thì bị lật khiến 8 người chết tại chỗ, 19 người bị thương...

Những người bị nạn kể trên đều là những nhóm đi riêng, tai nạn xảy ra do xui rủi, còn vụ lũ cuốn 4 người ở huyện Lạc Dương là những du khách đi tour khám phá Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà. Theo lãnh đạo huyện Lạc Dương, nhóm khách này trong đoàn 64 người đến từ TP HCM tham gia tour du lịch từ ngày 28-11. Sau khi chinh phục đỉnh Bidoup cao 2.287 m, họ quay về thì gặp nạn.

Trong vụ tai nạn này, không thể không nói đến trách nhiệm của các đơn vị tổ chức tour du lịch. Trao đổi với báo chí ngày 30-11, ông Nguyễn Viết Vân, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, cho biết sở sẽ kiểm tra tính pháp lý và trách nhiệm các bên đã tổ chức tour du lịch để xảy ra sự cố nghiêm trọng này. Phòng quản lý du lịch trực thuộc sở đã vào cuộc kiểm tra các sai phạm liên quan.

Còn theo các chuyên gia ngành du lịch, khi tổ chức tour bao giờ cũng phải đặt sự an toàn của du khách lên hàng đầu. Thiết kế các tuyến hành trình đều hết sức chu đáo, tính toán kỹ các tình huống phát sinh, nhất là những tour trải nghiệm và có tính mạo hiểm, đòi hỏi rất cao về độ an toàn cùng những kỹ năng cần thiết khác cho hướng dẫn viên và du khách. Trong điều kiện mưa rất to, nước lũ đổ về cuồn cuộn, việc để 4 du khách đi tiếp lộ trình có thể xem là liều lĩnh, không nên. Về phía du khách, nếu thấy tình hình không thuận lợi thì cũng nên tìm chỗ tránh trú. Đừng liều mình tiếp tục hành trình trong hoàn cảnh nguy hiểm bởi bất trắc khó lường.

Năm nay du lịch là một trong những ngành bị thiệt hại nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Cả nước đang nỗ lực vực dậy, khôi phục lại du lịch sau khi dịch lắng xuống. Ngành du lịch đưa ra khẩu hiệu cho phục hồi du lịch là du lịch an toàn thì càng phải hết sức cẩn trọng. Bất cứ đơn vị tổ chức du lịch hay du khách nào cũng mong muốn hành trình du lịch tràn đầy niềm vui, sự hứng khởi và tuyệt đối an toàn thì càng không thể chủ quan, xem nhẹ sự an toàn.

Theo KHÁNH TƯỜNG (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm