(GLO)- An toàn giao thông (ATGT) học đường là vấn đề được các ngành, địa phương và cộng đồng đặc biệt quan tâm. Làm sao để các em học sinh đến trường, về nhà luôn được an toàn là mong muốn của tất cả mọi người.
Siết chặt quản lý ngay từ đầu năm học
Thành phố Pleiku có số lượng trường học nhiều nhất tỉnh Gia Lai. Bởi vậy, công tác đảm bảo ATGT học đường đặt ra cho thành phố thách thức không nhỏ. Ngay từ những ngày đầu năm học 2019-2020, Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự (CSGT-TT) Công an TP. Pleiku đã tổ chức nhiều tổ tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường có nhiều trường học như: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Hùng Vương… để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh các trường hợp vi phạm Luật Giao thông Đường bộ.
Cán bộ, chiến sĩ Đội CSGT-TT Công an TP. Pleiku kiểm tra việc chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông tại cổng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn. Ảnh: L.H |
Theo chân tổ tuần tra, kiểm soát trật tự ATGT của Đội CSGT-TT Công an TP. Pleiku làm nhiệm vụ tại khu vực gần Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (phường Ia Kring) vào khung giờ đến trường buổi sáng, chúng tôi ghi nhận vẫn còn một số phụ huynh khi đưa con đến trường không đội mũ bảo hiểm cho con, chở quá số người quy định… Khi được hỏi vì sao không đội mũ bảo hiểm cho con, chị Trần Thị Nhi (tổ 10, phường Ia Kring) ngại ngùng nói: “Tôi đưa cháu đi hơi trễ nên vội quá quên không đội mũ bảo hiểm”. Còn chị Đinh Thị Hiền (tổ 9, phường Ia Kring) thì chia sẻ: “Vì mới quay trở lại năm học, gia đình và cháu chưa bắt nhịp với việc đi học sớm nên có phần vội vã, quên đội mũ bảo hiểm. Tôi ý thức được việc không đội mũ bảo hiểm cho cháu là sai và sẽ rút kinh nghiệm”.
Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Công-cán bộ Đội CSGT-TT Công an TP. Pleiku: “Hầu hết phụ huynh và học sinh đã chấp hành nghiêm các quy định khi tham gia giao thông, chỉ có một số ít chấp hành chưa nghiêm. Đầu năm học, nhiều học sinh và phụ huynh chưa bắt nhịp với lịch trình mới nên sắp xếp thời gian có phần vội vã, dẫn đến sơ suất. Lực lượng chức năng chỉ nhắc nhở phụ huynh nâng cao ý thức chấp hành và chuẩn bị kỹ càng hơn để đảm bảo ATGT khi đưa đón các cháu. Tuy nhiên, nếu việc này tiếp tục lặp lại, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm”.
Cảnh sát nhắc nhở một trường hợp chở quá số người quy định khi cha mẹ đưa con tới trường. Ảnh: Lê Hòa |
Năm học 2019-2020, toàn tỉnh có hơn 770 trường học với trên 400 ngàn học sinh. Bên cạnh giáo dục kiến thức, bảo đảm ATGT học đường là một trong những vấn đề quan trọng được tất cả các trường học lưu tâm. Ngay trong lễ khai giảng, các trường đã phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức phổ biến, tuyên truyền Luật Giao thông Đường bộ đến cán bộ, giáo viên và học sinh để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định về trật tự ATGT. Đồng thời, các trường đều ký cam kết chấp hành các quy định về ATGT với Công an địa phương và triển khai ký cam kết với phụ huynh, học sinh toàn trường.
Vì trường học an toàn
Ông Võ Ngọc Quảng-Phó Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh-cho biết: “Ngay từ đầu năm học, Ban ATGT tỉnh đã tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị thành viên: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT), Công an tỉnh… chú trọng triển khai các nội dung liên quan về vấn đề đảm bảo ATGT học đường trong phạm vi lĩnh vực phụ trách. Trong đó, trọng tâm là nâng cao ý thức chấp hành các quy định về trật tự ATGT của học sinh và phụ huynh. Cụ thể: lực lượng Công an tăng cường tuần tra, kiểm soát để nhắc nhở, xử lý kịp thời các trường hợp cố tình vi phạm; ngành GT-VT siết chặt quản lý phương tiện đưa đón học sinh, hoàn thiện hạ tầng giao thông quanh khu vực trường học hoặc nơi có đông học sinh qua lại; ngành Giáo dục và Đào tạo, Đoàn Thanh niên… chú trọng tuyên tuyền, nhắc nhở học sinh và phụ huynh tuân thủ các quy định về trật tự ATGT. Mục tiêu cao nhất là chúng ta xây dựng được những trường học an toàn, tránh xảy ra tai nạn giao thông đáng tiếc đối với các em”.
Học sinh Trường THCS Phạm Hồng Thái (TP. Pleiku) đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Ảnh: Đ.T |
Năm học 2019-2020, toàn tỉnh Gia Lai có hơn 770 trường học với trên 400 ngàn học sinh. Bên cạnh giáo dục kiến thức, bảo đảm an toàn giao thông học đường là một trong những vấn đề quan trọng được tất cả các trường học lưu tâm. Ngay trong lễ khai giảng, các trường đã phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức phổ biến, tuyên truyền Luật Giao thông Đường bộ đến cán bộ, giáo viên và học sinh để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông. Đồng thời, các trường đều ký cam kết chấp hành các quy định về an toàn giao thông với Công an địa phương và triển khai ký cam kết với phụ huynh, học sinh toàn trường. |
Để đảm bảo ATGT trong và ngoài cổng trường, nhiều trường học đã có những sáng kiến, mô hình hay như: đội cờ đỏ theo dõi ATGT trước cổng trường học, xây dựng “Cổng trường an toàn”... Thầy Trương Tiến Sỹ-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (TP. Pleiku) thông tin: “Chúng tôi đã thành lập đội cờ đỏ với 5-10 em/lớp, do cô Tổng phụ trách Đội phụ trách theo dõi, hướng dẫn và quản lý. Các lớp sẽ thay phiên nhau trực hàng ngày. Trường hợp học sinh hoặc phụ huynh học sinh không tuân thủ đúng quy định về trật tự ATGT như: không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, đậu đỗ xe không đúng nơi quy định… đội cờ đỏ sẽ ghi lại, trừ điểm thi đua và thậm chí có thể nêu tên trước toàn trường trong lễ chào cờ nếu vi phạm nhiều lần”. Trong khi đó, Trường THCS Phạm Hồng Thái (TP. Pleiku) có mô hình kết thành “hàng rào” để ngăn việc học sinh đi tràn xuống lòng đường mỗi giờ tan học. Theo đó, mỗi ngày một lớp trực sẽ đứng tạo thành “hàng rào” ngăn cách trên vỉa hè đoạn trước khu vực cổng trường, các học sinh chỉ được đi bên trong “hàng rào” ấy để đảm bảo an toàn…
“Những mô hình tuy đơn giản nhưng rất thiết thực, ý nghĩa, góp phần quan trọng hình thành ý thức và văn hóa giao thông cho các em học sinh. Chúng tôi khuyến khích các trường xây dựng những mô hình tương tự để đảm bảo ATGT học đường”-Trung tá Hồ Thanh Sơn-Đội trưởng Đội CSGT-TT Công an TP. Pleiku-cho hay. Cũng theo Trung tá Sơn, trong năm học 2019-2020, ngoài tuần tra, kiểm soát thường xuyên, Đội CSGT-TT Công an thành phố sẽ tập trung ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng học sinh chưa đủ điều kiện nhưng vẫn điều khiển mô tô đến trường. Đồng thời, Đội sẽ tích cực kiểm soát phương tiện xe đưa đón học sinh.
Về loại hình xe đưa đón học sinh, theo thống kê của Sở GT-VT, toàn tỉnh hiện có 88 doanh nghiệp, hộ cá thể đăng ký hoạt động dịch vụ đưa đón học sinh với 121 phương tiện. Để các phương tiện đảm bảo vận hành, khai thác an toàn trong suốt quá trình hoạt động, ngay trong tháng 9, Sở GT-VT sẽ tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về kinh doanh đối với xe ô tô đưa đón học sinh; nội dung kiểm tra gồm: an toàn kỹ thuật phương tiện, điều kiện người điều khiển phương tiện, điều kiện pháp lý…
LÊ HÒA