Kinh tế

Giá cả thị trường

An toàn lưới điện: Cần được nâng cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gia Lai hiện đang trong mùa mưa bão nên rất dễ xảy ra những sự cố trên lưới điện, không chỉ gây gián đoạn cung cấp điện mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân, doanh nghiệp. Vì vậy, ngoài việc các Công ty Điện lực cần đảm bảo an toàn lưới điện thì việc nâng cao ý thức phòng tránh các tai nạn trong nhân dân là quan trọng để phòng tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Nhiều sự cố an toàn hành lang lưới điện

Tại huyện Chư Pah, chỉ trong vòng 1 tháng đã có 2 sự cố đứt dây điện do cây cao su đổ vào đường dây điện gây gián đoạn cung cấp điện 12 tiếng đồng hồ. Nguyên nhân chủ yếu là do vườn cây cao su của các hộ dân trồng gần với hành lang lưới điện. Khi có mưa bão, cây đổ vào đường dây, gây đứt dây điện.

 

Cây thông đổ vào đường điện 22KV cạnh nhà thờ Thăng Thiên gây đứt dây và gãy hàng loạt cột điện. Ảnh: N.T

Ông Hồ Cát Tuấn-Phó Giám đốc Điện lực Chư Pah cho biết: Trước, trong mùa mưa bão, Điện lực Chư Pah đều tập trung kiểm tra, sửa chữa, xác định các khu vực trũng thấp nơi có thể xảy ra úng ngập; kiểm tra các thiết bị chống sét, tiếp địa, nối đất, nối không của hệ thống lưới điện, kết cấu của hệ thống điện ngoài trời, trong nhà, khu vực đông dân cư có nhiều người qua lại, đảm bảo cách điện, chống rò điện. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, tiến hành xử lý ngay các trường hợp có nguy cơ  gây sự cố, tai nạn điện khi có mưa bão. Thế nhưng, vẫn xảy ra sự cố gây mất điện. Phần lớn nguyên nhân gây ra sự cố là do các hộ dân trồng cây gần lưới điện không đảm bảo an toàn, mặc dù đã được chúng tôi nhắc nhở.

TP. Pleiku, nơi dân cư tập trung đông thì các sự cố mất an toàn lưới điện càng xảy ra thường xuyên. Một số trường hợp sự cố như dông sét làm đứt dây điện 22KV tại  đường Lê Chân, đường 17-3; cây thông đổ vào đường điện 22KV cạnh nhà thờ Thăng Thiên gây đứt dây và gãy hàng loạt cột điện; cây rừng phòng hộ đổ và đường điện 12.7KV gây đứt dây gãy cột, xe tông vào cột điện gây hư hỏng thiết bị điện; cây của dân ngã vào đường điện 22KV đi xã Diên phú gây sự cố mất điện toàn khu vực xã Diên Phú; vụ hỏa hoạn tại tiệm tạp hóa... đã gây mất điện trên diện rộng. Các sự cố điển hình như trên tuy đã được Công ty Điện lực khẩn trương khắc phục nhanh chóng nhưng đã gây thiệt hại về tài sản của nhân dân và doanh nghiệp, rất may không có thương vong về người.

Ông Nguyễn Việt Hùng-Giám đốc Điện lực Pleiku đề xuất: Hiện nay, Điện lực đang lo ngại nhất là việc cây cối ngoài hành lang ngã đổ vào đường điện. Vì vậy Điện lực Pleiku đề xuất các cơ quan quản lý cây xanh quan tâm kiểm tra cắt bỏ những cây già cỗi mục rỗng ruột, tỉa bớt tán cây để tránh ngã đổ vào đường điện làm đứt dây gãy cột xuống đường gây nguy hiểm đến tính mạng người dân và gián đoạn cấp điện. Đặc biệt là các tuyến đường điện cấp cho các cơ quan đặc biệt quan trọng của tỉnh, bệnh viện,… cần có một hành lanh thông thoáng để vận hành an toàn và cây xanh cũng tự do phát triển đô thị sẽ đẹp hơn.

Nâng cao ý thức về an toàn điện

 

Theo thống kê của Điện lực Gia Lai, Hiện nay các thiết bị, đường dây, kết cấu lưới điện đều được thực hiện theo các tiêu chuẩn kỹ thuật quy định của nhà nước với hệ thống lưới điện gồm 4.581 km đường dây trung áp, 4.295 km đường dây hạ áp, 4.097 trạm biến áp phân phối với tổng dung lượng 656.076 kVA được kết nối và nhận điện từ Hệ thống điện Quốc gia qua 9 trạm biến áp 110 kV và trên 30 nhà máy thủy điện nhỏ để cấp điện đến 222 xã/222 xã, đạt 100% xã có điện, cấp điện cho 363.817 khách hàng của tỉnh Gia Lai và tỉnh Ratanakiri (Campuchia).

Ông Măng Đoàn-Giám đốc Điện lực Gia Lai cho biết: Để phòng ngừa tai nạn điện, Công ty điện lực Gia Lai thường xuyên rà soát các điểm mất an toàn trên lưới để xử lý kịp thời, quan tâm đến việc cải tạo lưới điện hạ áp đi sâu vào khu vực nông thôn để giảm chiều dài ĐZ hạ áp sau công tơ, đồng thời làm giảm nguy cơ tai nạn điện. Bên cạnh đó, Công ty đã đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp với chính quyền địa phương các cấp để bảo đảm an toàn hành lang lưới điện, giảm thiểu sự cố khi có mưa bão xảy ra.

Công ty đã gửi công văn tuyên truyền về Bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, xử phạt hành chính trong lĩnh vực điện lực đến UBND địa phương cấp huyện, xã trong phạm vi toàn tỉnh. Các Điện lực đã cấp phát 340.000 tờ rơi tuyên truyền an toàn điện trong nhân dân đến tận khách hàng sử dụng điện qua mạng lưới thu ngân viên để phổ biến một số kỹ năng cơ bản tới khách hàng sử dụng điện. Trong đó, đặc biệt lưu ý khi có bão, mưa to, gió lớn, ngập úng, người dân cần tránh xa các khu vực nguy hiểm như đường dây điện, trạm điện đề phòng sự cố bất ngờ xảy ra như dây điện đứt, cột điện đổ, sứ vỡ, cây đổ, cành cây rơi vào dây điện, trạm điện gây ra cháy nổ, rò điện. Đến nay, Công ty đã hoàn thành việc treo lắp pa-nô tuyên truyền an toàn điện trong nhân dân trước mùa mưa bão và đặt dấu hiệu cảnh báo trên mọi cột điện trung áp theo yêu cầu của Luật điện lực.

Để bảo đảm an toàn lưới điện, ngoài các hành vi bị nghiêm cấm theo nghị định 14/2014/ NĐ-CP, ông Măng Đoàn cũng khuyến cáo khách hàng sử dụng điện: Cầu dao, cầu chì, áp-tô-mát, công tắc, ổ cắm: Phải có nắp đậy chắc chắn, đặt nơi khô ráo và nên đặt ở vị trí cao hơn sàn nhà 1,5 mét. Trường hợp nhà bị ngập nước mà không cắt được điện thì phải đứng trên các nơi chưa bị ngập, gọi điện hoặc kêu cứu để mọi người báo đơn vị điện lực quản lý cắt điện. Không dùng điện theo cách lấy điện một pha bằng một dây dẫn, còn dây nguội đấu xuống giếng, xuống ao hoặc đấu nối vào đường ống nước. Khi người hoặc chân tay bị ướt không được tiếp xúc với điện. Tuyệt đối không đi lại trong nhà dọn đồ đạc khi nước ngập, vì điện bị rò trong nước có nguy cơ gây tai nạn chết người. Khi dây dẫn điện bị đứt, các thiết bị điện bị đổ hoặc thấy nguy cơ mất an toàn thì không lại gần...

Ngọc Thu

Có thể bạn quan tâm