Thời sự - Bình luận

Ấn tượng từ những chuyến đi xuyên Tết của Thủ tướng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chúng ta vừa trải qua kỳ nghỉ Tết dài 9 ngày. Giữa không khí rộn ràng của các hoạt động đón xuân mới, người dân lại thấy Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có mặt tại các công trường thi công những dự án trọng điểm quốc gia.

Khi thì Thủ tướng bấm nút khởi công cao tốc TP. Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành; khi thì kiểm tra, tháo gỡ vướng mắc cho các nhà thầu thi công Sân bay Long Thành; lúc lại đốc thúc tiến độ thi công cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh… với quyết tâm hoàn thành sớm nhất có thể các dự án hạ tầng cho đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra, nghe báo cáo tiến độ thi công dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Kết thúc năm 2024, kinh tế nước ta tăng trưởng 7,09%. Đây là mức tăng trưởng có ý nghĩa quan trọng làm tiền đề cho năm 2025, kinh tế đạt tăng trưởng từ 8% trở lên và đạt 2 con số trong những năm tiếp theo. Để đạt được mục tiêu kỳ vọng, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng. Trong đó, việc đẩy mạnh đầu tư cho cơ sở hạ tầng kinh tế, nhất là hạ tầng giao thông được xem là khâu đột phá.

Vì thế, ngay từ những tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025, dù bận bịu trăm bề nhưng trong nhiều cuộc họp, người đứng đầu Chính phủ luôn nhấn mạnh yêu cầu phát triển hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, toàn diện để góp phần giảm chi phí logistics, giảm chi phí đầu vào, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế, tạo không gian phát triển mới.

Thực tế cho thấy, cải thiện hạ tầng để thu hút đầu tư chất lượng cao là nỗ lực không ngừng nghỉ của Việt Nam trong những năm qua. Đó là cách để hiện thực hóa 1 trong 3 đột phá chiến lược cho nền kinh tế gồm: thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực, được Đảng ta xác định trong nhiệm kỳ Đại hội XIII.

Năm 2025 là năm cuối thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII, cũng là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ với những nhiệm vụ mang tính chiến lược nhằm tạo ra sự thay đổi mang tính cách mạng.

Đó là tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng-chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; thực hiện công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, tiến hành đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và chuẩn bị, củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để nước ta tự tin bước vào kỷ nguyên mới-Kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng, hướng tới thực hiện thắng lợi mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Trong 12 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, Chính phủ yêu cầu có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, kịp thời hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm và các chương trình mục tiêu quốc gia; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, tăng cường hợp tác công tư… Đầu tư công tiếp tục được xác định là 1 trong 3 chân kiềng quan trọng, là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2025 và những năm tiếp theo.

Năm nay, Chính phủ dự chi hơn 790.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, tăng đáng kể so với mức 670.000 tỷ đồng của năm 2024. Nguồn vốn này được kỳ vọng sẽ là cơ hội để tăng đầu tư phát triển và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả trước mắt và lâu dài. Vấn đề còn lại là việc giải ngân của các bộ, ngành, địa phương phải đảm bảo tiến độ, gắn với chất lượng nguồn vốn, chất lượng công trình, dự án.

Năm 2025 là năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Chúng ta đã có được rất nhiều kinh nghiệm từ việc thi công thần tốc một số công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm về giao thông và năng lượng. Đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, là tinh thần quyết liệt “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão”… quyết tâm trong năm 2025 phải hoàn thành Sân bay Long Thành, kết nối toàn bộ cao tốc Bắc-Nam từ Cao Bằng đến Cà Mau.

Áp lực cao, nỗ lực hết sức ắt sẽ đem lại thành quả lớn. Đất nước đang cần có một hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thông suốt để chuẩn bị tăng tốc trong giai đoạn tới.

Có thể bạn quan tâm