Thời sự - Bình luận

Đồng hành đột phá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Việc TP.HCM tổ chức góp ý dự thảo chương trình hành động và kế hoạch thực hiện Nghị quyết 57 năm 2024 của Bộ Chính trị (về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia).

Chỉ sau 3 ngày diễn ra hội nghị toàn quốc cho thấy tâm huyết của lãnh đạo thành phố với động lực tăng trưởng mới này.

TP.HCM có lực lượng trí thức rất hùng hậu với khoảng 1,6 triệu người, trong đó khoảng 18.000 người trình độ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và chuyên gia đầu ngành. Địa phương cũng có gần 2.200 doanh nghiệp khởi nghiệp, 200 quỹ đầu tư mạo hiểm với 500 sự kiện và 80 cuộc thi khởi nghiệp hằng năm, góp phần thu hút nguồn lực trẻ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. TP.HCM xếp thứ 111 trên bảng xếp hạng các thành phố đổi mới sáng tạo, năng động nhất toàn cầu.

Hồi tháng 9.2024, Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (C4IR) tại TP.HCM được khánh thành, tập trung các lĩnh vực công nghệ vi mạch bán dẫn, công nghệ sinh học, vật liệu mới, drone, trí tuệ nhân tạo... Hiện TP.HCM cùng Đà Nẵng và Bộ KH-ĐT đang hoàn thiện hồ sơ trung tâm tài chính quốc tế trình Quốc hội thông qua, trong đó sẽ có cơ chế, chính sách đột phá để thu hút nhà đầu tư tham gia. Những dữ liệu trên cho thấy tiềm lực to lớn về công nghệ, đổi mới sáng tạo của TP.HCM trong hành trình bước vào danh sách các thành phố toàn cầu.

Trong buổi trả lời báo chí ngày 21.1 vừa qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định địa phương sẽ có những cơ chế vượt trội, thực sự đột phá để đầu tư hạ tầng công nghệ, nghiên cứu khoa học. Những rào cản về cơ chế, hạ tầng, huy động nguồn lực đã được nhận diện, các giải pháp khắc phục được phác họa rõ nét cho từng việc, từng điểm nghẽn. Nếu TP.HCM tận dụng tốt cơ hội này, tăng trưởng 2 con số trong năm 2025 và giai đoạn tới không chỉ là mục tiêu phấn đấu mà hoàn toàn trong tầm tay.

Phấn khởi trước chủ trương đột phá khoa học công nghệ nhưng nhiều chuyên gia vẫn băn khoăn ở khâu hành động, bởi chủ trương đúng mà hành động không trúng cũng chẳng mang lại kết quả. Giữa bầu trời công nghệ rộng lớn, VN nói chung và TP.HCM cần xác định thế mạnh, thị trường, lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực. Như muốn phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn thì cần làm rõ quy mô thị trường, vòng đời sản phẩm, cơ sở hạ tầng kèm theo.

Cơ sở hạ tầng thôi chưa đủ, yếu tố quan trọng và quyết định vẫn là con người, bao gồm cả những nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách và đội ngũ nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành. Khoa học - công nghệ vốn thay đổi nhanh chóng nên nhà quản lý phải đột phá về đổi mới tư duy, chấp nhận rủi ro, sẵn sàng thay đổi chính sách, không cứng nhắc, rập khuôn theo tiêu chuẩn thông thường. Nhà khoa học phải luôn đổi mới, cầu thị, bởi ranh giới giữa thành công và thất bại rất mong manh. Một người giỏi trong quá khứ không có nghĩa sẽ là người giỏi ở những lĩnh vực mới mẻ khác trong tương lai.

TP.HCM có đội ngũ trí thức đông đảo nhưng không vì thế mà chủ quan. Việc đánh giá người tài cần thực chất, theo sản phẩm đầu ra chứ không cảm tính, dựa trên bằng cấp. Đặt ra bài toán lớn đã khó, tìm người "thực chiến" để giải bài toán đó càng khó khăn hơn gấp bội. Do vậy, giữa nhà khoa học và nhà quản lý cần sự đồng hành, thấu hiểu để vượt qua khác biệt trong suy nghĩ, cùng nhìn về một hướng để hành động.

Khi niềm tin đủ lớn, bằng tâm huyết và trí tuệ của mình, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ dày công cho ra đời những nghiên cứu thật sự xứng tầm, hữu ích có thể ứng dụng cho sự phát triển của thành phố.

Theo Sỹ Đông (TNO)

Có thể bạn quan tâm