Với những người xa nhà, tết được đón chờ như một niềm hạnh phúc khi được về quê gặp cha mẹ, ông bà, anh em mình. Về quê, về nhà là về với tình yêu thương, về với nguồn cội, về với nơi sinh ra mình, nuôi dưỡng mình lớn lên.
Thấm thía với mong ước tết về nhà ấy, từ nhiều năm nay, Báo Thanh Niên và nhiều doanh nghiệp đã đứng ra tổ chức không chỉ là những chuyến xe đưa người xa quê về nhà, mà còn kèm theo những phần quà gửi về gia đình họ. Tết sẽ ấm áp bao nhiêu khi người xa quê về nhà nhận được những tình cảm và sự lo lắng chăm sóc chân thành đó. Tình cảm với quê hương là tình cảm cao đẹp nhất với một con người.
Vào năm 1929, khi Bác Hồ hoạt động ở Thái Lan, trên đường công tác vất vả, vào một đêm trời tối mịt mùng, xin ngủ nhờ tại một gia đình Việt kiều, Bác rất xúc động khi nghe chủ nhà hát ru con bằng lời hát ru của quê hương mình. Ngủ dậy, Bác ngẫu hứng đọc 2 câu thơ cho mấy người đang ngồi ăn cơm sáng nghe:
"Xa nhà chốc mấy mươi niên
Đêm qua nghe tiếng mẹ hiền ru con".
Nghe một câu hát ru con mà chợt nhớ da diết gia đình mình, nhớ mẹ mình, nhớ quê mình.
Nỗi lòng nhớ thương quê hương của Bác Hồ cũng là nỗi lòng của mọi người Việt Nam không phân biệt già hay trẻ, quê hương ở gần hay quê hương ở xa.
Với người Việt Nam, tết mang ý nghĩa sâu xa lắm. Vì như thế, cứ mỗi dịp tết đến xuân về, chúng ta lại đón hàng vạn bà con Việt kiều từ khắp nơi trên trái đất về quê ăn tết. Trong lòng ai cũng có một quê hương. Những chiếc bánh chưng, bánh tét không chỉ là món ăn ngon, mà chứa đựng bao nhiêu tình cảm của quê hương, của gia đình, là niềm thương nỗi nhớ của bao người phải xa quê.
Đó là tình cảm thường hằng, vĩnh hằng với mỗi người Việt Nam. Một cái tết thật sự trọn vẹn, là tết về nhà.
Theo Thanh Thảo (TNO)