Kinh tế

Doanh nghiệp

Áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, công cụ cải tiến năng suất, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng là một trong những biện pháp quan trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã (HTX) ở Gia Lai đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao năng suất, tạo ra hàng hóa có giá trị gia tăng cao, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 227 ngàn ha cây trồng các loại sản xuất theo hướng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainfost Alliance, FLO. Ở lĩnh vực chăn nuôi, 3 cơ sở được chứng nhận chăn nuôi heo VietGAHP, 1 cơ sở được chứng nhận chăn nuôi bò GlobalGAP và 1 cơ sở được chứng nhận nuôi ong VietGAHP. Tỉnh cũng hỗ trợ 30 doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp, HTX vẫn còn lúng túng trong xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm để đáp ứng các quy định của quốc tế. Bà Trần Thị Tầm-Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ An Nhiên (xã An Trung, huyện Kông Chro) cho biết: “Sản phẩm chính của HTX là nước trái cây lên men từ chuối. Đây là sản phẩm rất tốt cho sức khỏe nhưng hiện vẫn đang khá khó khăn trong việc tìm thị trường tiêu thụ. Đây cũng là vấn đề lớn đối với HTX bởi muốn có được thị trường tiêu thụ rộng lớn thì sản phẩm phải có các chứng nhận, đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn”.

Việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn hay các công cụ cải tiến sẽ giúp doanh nghiệp, hợp tác xã nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Ảnh: H.D

Việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn hay các công cụ cải tiến sẽ giúp doanh nghiệp, hợp tác xã nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Ảnh: H.D

Để hỗ trợ doanh nghiệp và HTX trong việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, góp phần tăng khả năng phát triển và cạnh tranh, ngày 26-6 vừa qua, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp với Công ty TNHH STI Việt Nam tổ chức tập huấn cho đại diện gần 60 doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh-cho biết: “Lớp tập huấn nhằm giúp các doanh nghiệp, HTX tiếp cận và áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hệ thống quản lý, công cụ để cải tiến năng suất, chất lượng, ứng dụng những giải pháp công nghệ hiện đại trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bởi các doanh nghiệp, HTX muốn có đầu ra rộng mở thì phải đầu tư xây dựng thương hiệu mạnh, sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, mã vùng trồng, áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn cũng như các giải pháp thông minh trong quản trị, từ đó có thể giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận”.

Tại buổi tập huấn, ông Lê Anh Hưng-Giám đốc Công ty TNHH STI Việt Nam-khẳng định: “Các doanh nghiệp, HTX cần áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng cơ bản; áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh... để nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường”.

Để doanh nghiệp và HTX nắm bắt rõ hơn, tại buổi tập huấn, các chuyên gia đã phổ biến một số nội dung như: cách tổ chức và kiểm soát quá trình đánh giá nội bộ theo các yêu cầu của ISO 22000:2018; hiểu về nguyên tắc của hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (FSMS), cách tiếp cận hệ thống FSMS; hệ thống quản lý môi trường ISO 14001:2015; nhận thức chung về tiêu chuẩn ISO 45001:2018...

Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã sử dụng mã QR để định vị nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm của mình. Ảnh: Hà Duy

Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã sử dụng mã QR để định vị nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm của mình. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai phấn đấu đến năm 2025 có tối thiểu 60% sản phẩm được đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ; có từ 10% trở lên mô hình liên kết theo chuỗi giá trị hàng hóa, mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận trong vùng nông thôn, miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Lê Xuân Nhàn-Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ An Bình Phát (thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang) chia sẻ: “Hợp tác xã thành lập năm 2018, chuyên trồng và sản xuất các sản phẩm từ cây thảo dược như: sả, hương nhu, quế, bạc hà...

Định hướng của chúng tôi là không chỉ cung cấp các sản phẩm thô cho các doanh nghiệp mà tương lai sẽ trực tiếp sản xuất ra sản phẩm và bán trực tiếp ra thị trường. Vì vậy, việc trang bị những kiến thức liên quan đến các tiêu chuẩn, quy chuẩn hay các công cụ cải tiến để nâng cao sức cạnh tranh sẽ giúp chúng tôi có bước chuẩn bị tốt hơn cho định hướng sau này”.

Còn bà Trần Thị Thu Thủy-Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông thì cho hay: “Công ty cũng đang áp dụng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm ISO 45001: 2018; hệ thống quản lý môi trường ISO 14001: 2015... Hàng năm, Công ty xuất khẩu khoảng 4.000 tấn cao su. Việc trang bị các quy định, các tiêu chuẩn, quy chuẩn sẽ giúp Công ty có thể đáp ứng được yêu cầu của những khách hàng khó tính, từ đó mở rộng thị trường”.

Có thể bạn quan tâm