Khoa học - Công nghệ

Australia thử nghiệm diệt khuẩn bằng tia cực tím tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đèn UV được lắp lên trần nhà để tạo ra vùng khử trùng, sau đó không khí lưu thông trong phòng sẽ đưa mầm bệnh vào vùng khử trùng để tia UV vô hiệu hóa chúng, ngăn chặn khả năng lây nhiễm.
Đèn chiếu tia UV lắp trên trần nhà để diệt khuẩn. (Nguồn: Burnet Institute)

Đèn chiếu tia UV lắp trên trần nhà để diệt khuẩn. (Nguồn: Burnet Institute)

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, một nhóm các nhà nghiên cứu do Viện Burnet (Australia) dẫn đầu mới đây đã phối hợp với chính quyền bang Victoria tiến hành một cuộc thử nghiệm lâm sàng mang tính đột phá, đánh giá hiệu quả của công nghệ diệt khuẩn trong phòng bằng tia cực tím (UR-GUV) để giảm tỷ lệ nhiễm virus SARS-CoV-2 và các loại virus khác qua đường không khí tại các cơ sở chăm sóc người cao tuổi.

Sự bùng phát của đại dịch COVID-19 và các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp khác tại các cơ sở chăm sóc người cao tuổi là một trong những nguyên nhân dẫn đến số ca bệnh nặng, số ca nhập viện và tử vong ở người cao tuổi tăng cao cũng như nguy cơ lây nhiễm, cách ly và thiếu nhân viên y tế.

Nghiên cứu mang tên “Hiệu quả của tia cực tím trong cấu trúc phòng trong việc giảm lây nhiễm SARS-CoV-2 và bệnh cúm qua không khí tại các khu chăm sóc người cao tuổi (ELUCIDAR)” của nhóm các nhà khoa học đến từ Viện Burnet, Đại học Melbourne, Đại học Monash và Đại học Công nghệ Queensland được coi là nghiên cứu lớn nhất thế giới cho đến nay để đánh giá hiệu quả của tia cực tím (UV) như một biện pháp can thiệp nhằm nâng cao chất lượng không khí trong phòng.

Công nghệ này hoạt động bằng cách chiếu tia UV lên không gian trần nhà để tạo ra vùng khử trùng ở phía trên căn phòng.

Không khí lưu thông trong phòng sẽ đưa mầm bệnh trong không khí vào khu vực khử trùng, ngay sát trần nhà, nơi tia UV có thể vô hiệu hóa chúng để ngăn chặn khả năng lây nhiễm.

Đèn UV được đặt cẩn thận để đảm bảo tiếp xúc tối thiểu với con người nhằm mang lại sự an toàn trong thời gian đèn hoạt động.

Công nghệ UR-GUV đã được sử dụng trong nhiều thập kỷ để ngăn ngừa bệnh lao ở những bệnh viện tập trung đông bệnh nhân.

Trong các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, ánh sáng GUV đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc vô hiệu hóa vi khuẩn và virus, ngăn chặn chúng xâm nhập vào tế bào người.

Phó Giáo sư Suman Majumdar, Giám đốc Y tế về COVID-19 và các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe của Viện Burnet, đồng tác giả chính của cuộc thử nghiệm trên, cho biết cuộc thử nghiệm này có thể mở đường cho những thay đổi trong cách thức quản lý không gian công cộng trong nhà.

Ông Majumdar chia sẻ: “Đại dịch COVID-19 đã và đang tiếp tục ảnh hưởng đáng kể ở những nơi có nguy cơ cao, đặc biệt là các cơ sở chăm sóc người cao tuổi nội trú.

Cuộc thử nghiệm này mở ra khả năng tìm được các giải pháp bền vững mà không đòi hỏi phải thay đổi đáng kể về hành vi nhằm ngăn ngừa COVID-19 và các bệnh khác về đường hô hấp, đồng thời tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa và đại dịch lây qua không khí trong tương lai.”

Theo Giáo sư Lidia Morawska từ Phòng thí nghiệm quốc tế về chất lượng không khí và sức khỏe tại Đại học Công nghệ Queensland, thành viên hợp tác nghiên cứu, các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm hiện nay và nghiên cứu ban đầu của nhóm nghiên cứu nêu trên cho thấy công nghệ UR-GUV an toàn, được chấp nhận rộng rãi và có tiềm năng to lớn trong việc giảm nguy cơ lây truyền mầm bệnh và virus trong không khí.

Còn Giáo sư Jason Monty tại Đại học Melbourne, một thành viên khác của nghiên cứu, cho rằng nghiên cứu này có thể thúc đẩy đổi mới trong việc thiết kế các công trình công cộng.

Có thể bạn quan tâm