(GLO)- Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Hội Phụ nữ thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai trong năm 2018. Đây cũng là lần đầu tiên đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp được triển khai trên địa bàn.
Thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai” của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh, các cấp Hội Phụ nữ tại thị xã Ayun Pa đã lập kế hoạch cụ thể triển khai đến hội viên về các nội dung của đề án. Sau hơn 3 tháng triển khai, Hội LHPN thị xã Ayun Pa đã nhận được 27 ý tưởng kinh doanh của chị em phụ nữ với những bản kế hoạch chi tiết, qua đó đã thẩm định và lựa chọn 10 ý tưởng mang tính khả thi cao để đưa vào hiện thực hóa trong thời gian tới.
Nghề dệt thổ cẩm đang được phụ nữ thị xã Ayun Pa gìn giữ, phát huy. Ảnh: B.H |
Các ý tưởng này sẽ được Hội LHPN tỉnh và các ngành chức năng tỉnh thẩm định và hỗ trợ vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội là 1 tỷ đồng. Trong số này, ý tưởng thành lập tổ hợp tác dệt thổ cẩm của chị Rcom H’Tre (xã Ia Rbol) được đánh giá cao. Đây là một trong những ý tưởng hay, vừa mang tính khả thi cao, vừa là cách để giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc Jrai.
Chị Ksor H’Chil-Chủ tịch Hội LHPN thị xã Ayun Pa, cho biết: để thực hiện hiệu quả đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai” và kế hoạch hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của UBND thị xã Ayun Pa, Hội LHPN thị xã tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn hội viên khởi nghiệp, đồng thời phối hợp với các ngành liên quan để hướng dẫn hội viên, phụ nữ hoàn thiện kế hoạch kinh doanh của mình. Đặc biệt là tìm đến các nhà đầu tư, kết nối với ngân hàng, câu lạc bộ, doanh nghiệp giúp hội viên, phụ nữ tiếp cận với các nguồn vốn để thực hiện kế hoạch kinh doanh của mình. Qua 3 tháng triển khai, chúng tôi đã tiếp nhận được 27 ý tưởng, kế hoạch kinh doanh trên các lĩnh vực khác nhau, trong đó có ý tưởng thành lập tổ hợp tác dệt thổ cẩm của chị Rcom H’Tre với mục đích khôi phục nghề truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”.
Dưới tác động của kinh tế thị trường, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh nói chung và đồng bào Jrai tại thị xã Ayun Pa nói riêng đang đứng trước nguy cơ mai một. Chị Rcom H’Juh-Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Rbol, cho biết: “Hồi trước, nhiều chị em cũng thường xuyên dệt nhưng thời gian gần đây thì ít dần. Để phát triển nghề dệt và giữ gìn truyền thống của người Jrai, trước đó chúng tôi đã thành lập hợp tác xã nhưng chỉ có 3 chị tham gia. Nếu ý tưởng của chị Rcom H’Tre được phê duyệt, tôi sẽ cố gắng vận động để nhiều chị tham gia, vừa là phát triển kinh tế, vừa gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Jrai”.
Còn chị Rcom H’Tre thì chia sẻ: “Lâu nay, tôi thường dệt, may đồ thổ cẩm cho chồng con mặc trong các lễ hội chứ không nghĩ tới việc buôn bán sản phẩm này. Nếu tổ hợp tác dệt thổ cẩm được thành lập, tôi rất vui mừng. Chúng tôi sẽ đưa sản phẩm bày bán để tăng thêm thu nhập cho gia đình, gìn giữ nghề dệt truyền thống”.
Thời gian qua, thị xã Ayun Pa rất chú trọng đầu tư cho các khu du lịch. Vì vậy, việc phát triển du lịch kết hợp với các sản phẩm văn hóa truyền thống tại địa phương đang được xem là hướng đi phù hợp và bền vững.
Bích Hương