Xã hội

Gia đình

Bà Diệp Thảo: 'Các cô gái ở phòng ngủ của gia đình, làm tổn thương tôi và các con'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sáng ngày 3-12, phiên toà xét xử vụ ly hôn của vợ chồng "vua cà phê" Trung Nguyên sẽ tiếp tục với phần tranh luận. Được biết, trong phần hỏi, các bên đặt nhiều câu hỏi để làm rõ nguồn ngốc tạo lập nên tập đoàn cà phê Trung Nguyên.
 
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại phiên toà ngày 2-12 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Trong ngày xét xử đầu tiên, bà Thảo vẫn tỏ rõ mong muốn được đoàn tụ. Tuy nhiên, ông Vũ không đồng ý hàn gắn.
Luật sư bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn cho biết bà Thảo kháng cáo toàn bộ bản án nhưng HĐXX không đặt bất kỳ câu hỏi nào để làm rõ nội dung kháng cáo, chỉ có bên nguyên đơn và bị đơn đặt câu hỏi cho nhau.
Nội dung các câu hỏi tập trung vào việc làm rõ nguồn gốc tạo lập Tập đoàn Trung Nguyên. Theo nguyên đơn, Tập đoàn Trung Nguyên là tài sản chung của vợ chồng và trong đó vai trò của bà Thảo là không nhỏ. Còn theo bị đơn, Trung Nguyên được hình thành từ sự hỗ trợ của gia đình ông Vũ.
Bên lề phiên tòa, bà Thảo chia sẻ với báo chí, cho rằng để phiên tòa công bằng thì HĐXX nên thực hiện các thủ tục như phía bà yêu cầu như giám định năng lực hành vi dân sự và có thể giám định cho cả hai bên.
"Trong thời gian vừa qua, các con của tôi cũng đang lớn. Trong khi đó trên mạng xã hội đăng hình ảnh các cô gái vào nhà của tôi, ngồi trên piano của nó, ngồi trên thảm, tuỳ tiện dùng đồ dùng gia đình tôi. Tôi cho rằng đây không phải là hành vi công việc nữa. Các con tôi rất là tổn thương.
Tôi có hỏi anh rằng anh nói về tương lai của giới trẻ, làm những công việc như tặng sách, lấy bình phong che lại... nhưng thực chất nó không mang lại giá trị cho Trung Nguyên mà đang bước vào phòng ngủ của vợ chồng tôi, sử dụng đồ đạc của gia đình tôi công khai và post lên mạng.
Tôi có đặt câu hỏi với anh thì anh nói "đừng làm tổn thương các cô gái đó". Tôi hỏi ngược lại anh thế thì sự tổn thương của tôi và các con tôi thì sao" - bà Diệp Thảo chia sẻ.
Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, phiên tòa xét xử phúc thẩm được mở do có kháng cáo của nguyên đơn là bà Thảo, kháng cáo bị đơn là ông Vũ và kháng nghị của viện trưởng Viện KSND TP.HCM.
Tại phiên tòa lần này, phía bà Thảo có 6 luật sư, bảo vệ quyền lợi cho ông Vũ có 3 luật sư.
Xử sơ thẩm, TAND TP.HCM tuyên công nhận ông Vũ và bà Thảo thuận tình ly hôn, giao 4 con chung cho bà Thảo nuôi dưỡng, ông Vũ có nghĩa vụ cấp dưỡng mỗi năm 10 tỉ đồng.
Về tài sản là bất động sản, bản án tuyên chia đôi, ông Vũ được nhận 6 bất động sản, bà Thảo nhận 7 bất động sản và "thối" lại cho ông Vũ tiền chênh lệch.
Về tài sản là vàng, ngoại tệ, tiền Việt trị giá hơn 2.000 tỉ đồng trong các ngân hàng, bản án tuyên chia 60-40, trong đó ông Vũ được hưởng 60%.
Về tài sản là cổ phần tại các công ty, bản án chia theo tỉ lệ 60-40, trong đó ông Vũ được hưởng 60%, bà Thảo 40%. Theo bản án, ông Vũ được sở hữu toàn bộ cổ phần của các công ty và "thối" tiền lại cho bà Thảo.

Bản án sơ thẩm cùng bị bà Thảo và ông Vũ kháng cáo. Trong đó, bà Thảo kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm, không đồng ý ly hôn, không đồng ý việc chia tài sản theo tỉ lệ 60-40 và giao quyền điều hành công ty cho ông Vũ. Ông Vũ kháng cáo yêu cầu chia các tài sản tranh chấp theo tỉ lệ ông sở hữu 70%, bà Thảo 30%. Viện KSND TP.HCM cũng có kháng nghị đề nghị TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm.

Tuyết Mai (TTO)

Có thể bạn quan tâm