TN - Đất & Người

Bắc Tây Nguyên: Lũ rút, mưa ngớt, giao thông nối lại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mưa và lũ đã giảm trên các sông ở Bắc Tây Nguyên, chính quyền các địa phương đang nỗ lực nối lại giao thông, ổn định cuộc sống người dân.

Chính quyền sơ tán người dân về nơi an toàn ngày 28-10 - Ảnh: KHẮC NGHĨA
Sáng 29-10, ông Lê Thanh Hà, trưởng phòng phòng chống thiên tai thuộc Chi cục Thủy lợi - Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum, cho biết mưa đã ngớt ở nhiều nơi, mực nước lũ tại các sông đang giảm. 
Mực nước lúc 7h sáng nay tại sông Đăk Bla (huyện Kon Plong) đã thấp hơn báo động cấp 1: 0,18m. Sông Pô Kô tại Đăk Mốt thấp hơn mức báo động cấp 2 là 0,16m. Các sông Đăk Bla tại Kon Tum và Đăk Tờ Kan tại Đăk Tô đều xuống xấp xỉ báo động 1.
Chiều và tối qua 28-10, tại Đăk Pek (huyện Đăk Glei, Kon Tum) lực lượng tại chỗ đã phối hợp di tản gần 200 hộ dân ở vùng ngập lụt. Ông Phạm Khắc Nghĩa, phó chủ tịch UBND xã Đăk Pek, cho biết đang cố gắng khắc phục giao thông do một mố cầu Đak Giang trên đường Hồ Chí Minh bị sụt. Chính quyền địa phương đã đặt bảng cảnh báo nguy hiểm cảnh báo người dân qua lại.
Còn về sự cố nước lũ cuốn trôi cây cầu sắt và cầu treo tại huyện Kon Rẫy, ông Võ Văn Lương, chủ tịch UBND huyện, cho biết hiện cơ bản đã nối lại giao thông vào 2 điểm này. 
Ở xã Đắk Pne nơi có hơn 400 hộ dân bị chia cắt do lũ cuốn trôi cầu Đắk Pne, người dân đang lưu thông bằng 1 tuyến đường phụ. Tại xã Đắk Ruồng, hơn 150 hộ cũng đã nối lại giao thông bằng 2 tuyến đường phụ khác. UBND huyện Kon Rẫy cũng đang đề xuất, lên phương án khắc phục lại giao thông tại 2 cây cầu bị lũ cuốn trôi.
Tính đến sáng nay, toàn tỉnh Kon Tum có 36 nhà ở và trụ sở cơ quan bị tốc mái hư hỏng; một cầu treo ở huyện Kon Rẫy bị cuốn trôi, chia cắt thôn 11, xã Đắc Ruồng và có tổng cộng 14 điểm trên địa bàn tỉnh bị sạt lở gây ách tắc giao thông. 
ĐÌNH CƯƠNG (TTO)

Có thể bạn quan tâm