(GLO)- Đứng chân trên địa bàn xã Ia O (huyện Ia Grai), Đồn Biên phòng Pô Cô có nhiệm vụ bảo vệ quản lý 12 km đường biên giới giáp nước bạn Campuchia. Với tâm huyết xây dựng thế trận lòng dân vững mạnh, biên giới vững chắc, các chiến sĩ “quân hàm xanh” ở đây luôn coi trọng và thực hiện có hiệu quả công tác vận động quần chúng, góp phần giữ yên vùng biên.
“Quân hàm xanh” trong lòng dân làng
Chúng tôi đến Đồn Biên phòng Pô Cô vào một ngày cuối năm trong cái nắng bỏng rát của mùa khô biên giới. Được cùng với các anh đến từng nhà gặp các già làng, trưởng thôn và người dân vùng biên nơi đây, chúng tôi mới thấy hết được nghĩa tình nồng ấm của họ.
Cùng với các anh đến từng nhà gặp các già làng, trưởng bản và người dân vùng biên nơi đây, mới thấy hết được nghĩa tình nồng ấm của họ. Ảnh: Nguyễn Giác |
Khu vực do Đồn Biên phòng Pô Cô quản lý có 2.384 hộ dân, gồm 8 dân tộc là: Mông, Mường, Thái, Khơ Mú, Dao, Jrai, Tày và Kinh cùng sinh sống. Do đặc thù văn hóa và tập tục của mỗi dân tộc khác nhau nên để thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, cán bộ chiến sĩ Biên phòng phải thực sự đi sâu, đi sát từng hộ dân; nắm vững diễn biến tâm lý, tâm tư nguyện vọng của từng người dân để từ đó có biện pháp tuyên truyền, vận động, giúp đỡ người dân ổn định tư tưởng, tin và làm theo đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, yên tâm làm ăn sinh sống.
Ông Rơ Châm Hyik- Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Ia O tự hào kể cho chúng tôi nghe về những đổi thay của 9 thôn, làng trong xã từ khi có bộ đội cận kề giúp đỡ. “Các chiến sĩ Biên phòng luôn thực hiện cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng địa phương và cùng bà con bảo vệ đường biên, cột mốc. Giờ đây bà con đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đạt hiệu quả kinh tế cao. Nhiều nhà đã mua sắm được tivi, xe máy... Từ khi được dân làng tin tưởng, công tác phối hợp của UBND xã và Đồn Biên phòng cũng có nhiều hiệu quả hơn. Vừa rồi, đã có 100 thanh niên là người dân tộc thiểu số tự nguyện vào làm công nhân Công ty 715 (Binh đoàn 15). Người dân ở đây tin và yêu bộ đội nhiều lắm”.
Quây quần cùng nhau trong căn nhà ấm cúng và đầy đủ tiện nghi của ông Ksor Phiếu (làng Tang, xã Ia O), chúng tôi có dịp nghe họ kể về những tình nghĩa trong khó khăn của người lính mang quân hàm xanh và đồng bào nơi đây. Ánh mắt ông Ksor Phiếu như sáng bừng khi kể về những ngày có bộ đội giúp đỡ: “Bộ đội thương đồng bào mình nhiều lắm. Khi bà con ốm đau bộ đội tận tình khám bệnh và cho thuốc, dạy cách ăn ở hợp vệ sinh, phòng-chống bệnh tật. Bộ đội khuyến khích dân mình cùng nhau xây dựng nếp sống văn minh, đuổi con ma đói ra khỏi làng và trồng cây cao su lấy mủ. Bây giờ, mỗi hộ cũng có tới 2-3 ha cao su tiểu điền. Kinh tế của làng đã vững và lòng người cũng vững vàng theo các anh Bộ đội Cụ Hồ. Từ lâu, Bộ đội Biên phòng Pô Cô đã là con của làng rồi”.
Ảnh: Nguyễn Giác |
Kết nối lòng dân vững chắc
Hiện nay, đời sống của đồng bào các dân tộc ở xã biên giới Ia O tuy đã được cải thiện song vẫn còn đó nhiều khó khăn. Lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, các phần tử xấu tăng cường tuyên truyền kích động nhằm làm giảm lòng tin của đồng bào với Đảng, chia rẽ khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, gây mất ổn định ở khu vực biên giới. Tình trạng trộm cắp mủ cao su trên địa bàn còn diễn ra khá phức tạp… Tình hình trên đặt ra cho công tác vận động quần chúng của lực lượng Biên phòng những yêu cầu cao hơn, nhạy bén hơn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ biên giới.
Đội trưởng Vận động quần chúng Thái Vĩnh Trường cho biết: “Trong công tác dân vận, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng đã chủ động đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến được với người dân. Đặc biệt là mô hình “Cán bộ cắm làng” đã thực sự đi sâu vào lòng dân. Nhờ các biện pháp tuyên truyền phù hợp với nhận thức của đồng bào các dân tộc, đồng thời tranh thủ già làng, trưởng thôn, trưởng dòng họ và người có uy tín làm nòng cốt cho công tác vận động quần chúng nên chúng tôi đã tạo được niềm tin vững vàng trong nhân dân”.
Trong tổ chức thực hiện vận động quần chúng, trên cơ sở kết hợp chặt chẽ với chính quyền xã, Đồn Biên phòng Pô Cô đã định hướng các kế hoạch xây dựng và phát triển của địa phương. Nội dung tuyên truyền đi sâu vào phổ biến nghị quyết đại hội Đảng các cấp; các điều luật liên quan trực tiếp tới các vấn đề đặt ra với địa bàn dân tộc, biên giới. Trong năm 2012, Đồn đã phối hợp tuyên truyền tập trung được 23 buổi/3.022 lượt người nghe, tuyên truyền cá biệt được 6 lần/19 lượt người nghe.. kịp thời cập nhật các thông tin, định hướng cần thiết về nhận thức, tư tưởng đối với nhân dân trên địa bàn.
Qua đó, đã góp phần vận động được đồng bào tham gia vào phong trào tự quản bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, vận động một số hộ dân có nương rẫy sát đường biên, cột mốc viết cam kết bảo vệ đường biên. Qua phong trào, ý thức của quần chúng nhân dân được nâng lên rõ rệt. Quần chúng nhân dân đã cung cấp cho Đồn hàng chục tin có giá trị góp phần đấu tranh với các loại tội phạm, giữ vững đường biên, cột mốc.
Ông Ksor Khiếu- Chủ tịch UBND xã Ia O cho biết: “Bộ đội Đồn Biên phòng Pô Cô đã thực sự kết nối được lòng dân nơi đây. Các chiến sĩ thường xuyên cùng các tổ tự quản làng Mít Jép, làng Lân, làng Luk… tổ chức tuần tra vào ban đêm và các ngày lễ, Tết. Hơn thế nữa, bộ đội còn thực hiện nhiều mô hình giúp dân phát triển kinh tế. Thời gian qua, đơn vị đã giúp 2 hộ trồng cao su tiểu điền với 70 ngày công lao động; 28 ngày cùng dân thu hoạch mì…”.
Nguyễn Giác-Trần Dung