Ăng Kor kỳ vĩ và huyền bí. Cảnh sống bấp bênh cơ cực của làng chài người Việt bên hồ Tông Lê Sáp. Ám ảnh bóng ma Khmer đỏ. Thăm đền Pretvihia trong sự bảo vệ nghiêm ngặt của quân đội. Với tôi, có lẽ đây là chuyến thăm Campuchia hiếm hoi và nhớ đời!
Đang là mùa du lịch nên khách tham quan Ăng Kor rất đông. Chen lẫn với du khách Tây, Tàu, Hàn Quốc, Nhật Bản, chúng tôi háo hức khám phá Ăng Kor. Ấn tượng đầu tiên là cung cách tiếp thị phục vụ khách tham quan lẫn công tác bảo vệ. Chỉ mỗi chuyện bán vé vào cửa đã cho thấy công tác bảo vệ và cách tiếp thị du lịch chuyên nghiệp đến cỡ nào. 20 USD cho một lần tham quan và du khách bắt buộc phải để cammera lưu lại hình ảnh của mình.Vé tham quan làm bằng giấy tốt, có hình Ăng Kor, góc phải dưới in cả chân dung của du khách, kích cỡ 3x4 cm. Bài bản như thế nhưng từ lúc sắp hàng cho camera ghi hình đến lúc lấy vé vào cổng chỉ mất độ 10 phút. Tấm vé vì vậy còn trở thành vật lưu niệm xác nhận cho một chuyến tham quan kỳ thú.
Đông đảo du khách đến với Ăng Kor. Ảnh: T.S |
Quần thể Ăng Kor được công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1991, được sánh ngang với cung điện Tamalhan ở Ấn Độ, Kim Tự Tháp ở Ai Cập. Ăng Kor là quần thể kiến trúc bằng đá, là nơi ở của Quốc vương Khmer cổ xây dựng gần Siêm Riệp từ đầu thế kỷ thứ II với một hệ thống đền đài cung điện và hành lang dài dằng dặc làm bằng những tảng đá lớn, xếp chồng lên nhau, cùng với những họa tiết, hoa văn trang trí có tượng Phật, vũ nữ, chiến binh, thần Mahabharata như của thần thoại Ấn Độ) sống động, mềm mại. Tất cả có 1.700 nàng vũ nữ Apsara được chạm khắc là những tuyệt tác với thân hình hoàn hảo, vẻ mặt, tư thế, động thái không hề giống nhau, ở những đầu hồi, trên tường, lối đi...
Vì đặc điểm kiến trúc nên Ăng Kor Wat còn được gọi là kinh đô chùa, chu vi hơn 5,6 km, có 5 ngôi đền làm bằng đá, đền cao nhất 65 mét nằm giữa quần thể Ăng Kor. Để đến được các ngôi đền phải đi qua một hệ thống hồ nước bao quanh. Ăng Kor Wat có hình chữ nhật, được xây dựng dưới thời vua Suryavarman II và dựa theo truyền thuyết thần Visnu. Tất cả các công trình xây dựng hiện nay ở thành phố du lịch Siêm Riệp đều không được phép vượt quá chiều cao của ngôi đền này.
Háo hức trước cảnh tượng hùng vĩ và lạ lẫm, tôi không nghĩ mình đã tách khỏi đoàn tham quan để len lỏi, tìm đến tất cả các đường đi, lối lại và các ngôi đền được phép tham quan. Ở ngôi đền thứ hai, tôi chứng kiến cảnh một nhà sư làm lễ buộc chỉ cổ tay cầu mong sức khỏe, hạnh phúc cho du khách. Tùy lòng hảo tâm mà du khách có thể “cúng” cho nhà sư bao nhiêu tùy ý. Ngôi đền cao nhất nằm giữa trung tâm Ăng Kor Wat cao vút làm thành hai khối phân biệt. Chỉ khi trèo lên cao mới thấy được sự kỳ vĩ của công trình và tài năng, công sức con người. Chiếc cầu thang bằng sắt thẳng đứng cao cả trăm bậc đầy thử thách không cho phép mấy vị khách tham quan lớn tuổi leo lên. Có chiếc cầu thang này vì tam cấp bằng đá theo thời gian giờ đã mòn vẹt, không thể trèo lên được. Hai vị khách đến từ Khánh Hòa đang ngồi kháo nhau về lịch sử, ý nghĩa ngôi đền. Đây là nơi nhà vua và quần thần, tu sĩ đến cầu nguyện, là nơi thử thách khả năng tu luyện của các tu sĩ. Tương truyền, khi trèo lên đỉnh tháp, mỗi khi quá mệt, các tu sĩ dựa lưng vào cột bằng đá để nghỉ, dùng tay đấm vào ngực mình mà nghe được âm thanh lan tỏa không gian-nghĩa là thần linh đã chứng giám-thì họ sẽ được tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục trèo lên đỉnh tháp, tới thế giới của thần linh.
Ánh nắng chan hòa. Chúng tôi rời Ăng Kor Wat để tiếp tục tham quan Ăng Kor Thom-thành phố vĩ đại. Ăng Kor Thom là thành phố cổ của các tượng thần Bayon, xây dựng để làm thủ đô của vương quốc Jayavarman VII. Nhưng đây không là thủ đô đầu tiên của người Khmer, vì trước đó 3 thế kỷ, Yashodharapura ở gần về phía Tây Bắc là thủ đô, Ăng Kor Thom trùm lên một phần của thành phố đó. Đường vào Ăng Kor Thom rất ấn tượng, bởi hình thù hai con rắn 7 đầu bằng đá to lớn kéo dài tưởng đến vô tận và hai hàng tượng người với những vẻ mặt bí hiểm khác nhau kéo dài đến cả trăm mét trên cửa vào thành phố. Đây là công trình xây dựng sau Ăng Kor Wat khoảng 100 năm với bốn hướng đi chính. Một khung cảnh đổ nát, những tảng đá lớn nằm ngổn ngang, những tượng đầu người quanh đền Bayon. Có tổng cộng 256 tượng như thế. Hiện nay, thành phố Bayon lẫn trong dày đặc cây cổ thụ, dây leo, khó có thể khám phá tất cả để biết nó rộng lớn, phong phú và độc đáo như thế nào.
Người phiên dịch cho rằng anh nhiều lần đến Ăng Kor nhưng vẫn chưa biết gì nhiều về kỳ quan này. Chỉ có điều anh thấy nó thật đẹp, thật kỳ vĩ và lộng lẫy lúc hoàng hôn chuẩn bị buông xuống. Khi đó, Ăng Kor Wat hiện lên như một khối vàng rực rỡ, ẩn hiện dưới tàn cây thốt nốt vươn mình cao vút.
Thất Sơn