Phóng sự - Ký sự

Bài 1 - Khổ vì môi trường ô nhiễm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

LTS: Trong nhiều năm qua, khu vực các tỉnh Ðông Nam bộ luôn có mức tăng trưởng kinh tế cao so với mức bình quân chung của cả nước. Nhưng khi kinh tế phát triển cũng kéo theo các vấn đề về xã hội, ảnh hưởng môi trường, trong đó có việc quản lý, khai thác đá xây dựng ở các mỏ đá, đã và đang tạo nên nhiều hệ lụy về môi trường cần giải quyết. Người dân sống ở quanh các mỏ đá hàng ngày vẫn chịu trận khi hít thở khói bụi ô nhiễm, tai nạn giao thông rình rập. Tình trạng khai thác đá để lại những hồ sâu tử thần hàng chục mét, những hồ nước mỗi năm có hàng chục người chết đuối… Những hệ quả đó đang đặt ra vấn đề bảo vệ và hoàn nguyên môi trường, quy hoạch khai thác tài nguyên nhằm phục vụ phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững.

Trong số các địa phương trong khu vực Đông Nam bộ, tỉnh Đồng Nai được xem là có số lượng mỏ khoáng sản nhiều nhất. Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, UBND tỉnh Đồng Nai và Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã cấp phép cho 39 doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản, với 52 mỏ, tập trung chủ yếu tại 3 khu vực: các xã Thiện Tân, Tân An (huyện Vĩnh Cửu); xã Phước Tân, Tam Phước (TP. Biên Hòa); xã Gia Kiệm, Quang Trung (huyện Thống Nhất). Trong suốt nhiều năm qua, việc khai thác đá luôn là vấn đề nóng bỏng ở Đồng Nai, gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Bất an vì môi trường ô nhiễm

Xuôi theo quốc lộ 51 về hướng Vũng Tàu, chúng tôi tìm về xã Châu Pha (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), nơi có diện tích hơn 32km2 với hơn chục mỏ đá được cấp phép khai thác từ hàng chục năm nay. Giữa tháng 4, cái nắng càng trở nên chói chang hơn khi nhà cửa của người dân và cây cối hai bên đường cũng bạc trắng. Hai bên lề đường, đá sỏi vung vãi trải dọc mép đường, còn bụi thì bay mù mịt khiến ai cũng nheo mắt mỗi lần những chiếc xe tải chở đầy đá chạy ầm ầm trên đường.

Lân la ở mấy quán nước ven đường, chúng tôi được bà chủ quán ném cho cái khăn lau qua chiếc ghế dính đầy bụi và thản nhiên cho biết, đây là vấn đề quá bình thường từ nhiều năm nay và gần như quán nào cũng vậy. Còn trên con đường rải đá dăm đi vào mỏ, vì là đường cấp phối nên bụi đến nỗi người ngồi trong cabin chở đá từ mỏ ra cũng phải mang khẩu trang kín mít. Nhờ một ông lão sống ở đây lâu năm chỉ mà chúng tôi biết con đường tắt đi vào bên trong mỏ đá Thành Nam. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là những cỗ máy lớn ở các tầng của dãy núi thi nhau múc những hòn đá lớn cho lên xe tải chở xuống những chiếc máy nghiền đá khổng lồ đang phát ra thứ âm thanh ầm ầm và luồng bụi mù mịt. Ở đầu ra là núi đá nhỏ thành phẩm đang được những chiếc máy xúc múc tấp nập lên thùng xe ben. Các xe thay phiên nhau lấy hàng rồi chở ra ngoài mỏ, phóng vun vút ra đường nhựa.

 

1
Xe chở đá làm bụi mù trên đường Tóc Tiên - Châu Pha (Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu).


Trở ra ngoài, chúng tôi vào nhà ông Trần Văn Nguyên (67 tuổi), nằm cách mỏ đá chỉ vài chục bước chân. Con trai ông Nguyên cho biết, ngôi nhà nhỏ của họ nhiều năm nay không có người ở, nguyên nhân chỉ vì bụi từ các mỏ đá bay sang nhà nên ông bố đã dẫn các con ra xa khu vực mỏ đá để sinh sống. Hiện đất được ông Nguyên rao bán với giá rẻ bèo nhưng cũng chẳng ai tới hỏi mua. Nhà của ông Nguyễn Văn Thuật ở gần đó cũng chung hoàn cảnh. Ông Thuật sống ở đây từ trước những năm 1990, khi mỏ đá chưa xuất hiện, cuộc sống ở đây giống như một làng quê hết sức bình yên. Vài năm sau, xuất hiện các mỏ đá, vì mưu sinh cuộc sống, ông Thuật cũng vào làm công nhân đập đá. Ban đầu chưa có nhiều máy móc, việc khai thác đá chủ yếu bằng sức người và thuốc nổ. “Vì nhà ở gần mỏ đá nên hồi đó mỗi khi sắp nổ đá, người của mỏ đá đi gọi từng nhà tìm chỗ ẩn nấp, chuyện chui xuống gầm giường đến cả vài chục phút để tránh đá rơi chả có gì là lạ. Còn chuyện bụi bám vào người, vào mặt đầy như trát phấn là đương nhiên, công nhân mỏ đá mà!”-ông Thuật kể.

Làm việc vài năm trong mỏ đá, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng bởi bụi và tiếng ồn, ông Thuật xin nghỉ, về nhà làm rau kiếm sống qua ngày. Nhưng với diện tích gần 1ha đất, gia đình ông Thuật kiếm sống vô cùng vất vả vì bụi từ phía mỏ đá bay sang ruộng rau khiến hai vợ chồng ông ngày nào cũng phải tưới cho chân ruộng vài lần nước, ấy vậy mà mỗi khi thương lái tới lấy rau vẫn còn chê lên chê xuống bảo rau nhiều bụi bẩn. Cửa nhà mặc dù đóng kín nhưng bụi vẫn bám đầy lên đồ đạc, bàn ghế. Nhiều khi lau sạch bàn ghế để ngồi mà vẫn ngứa đỏ da vì bụi. Nhà ông Thuật có 2 con trai, nhưng quanh năm chỉ có ông bà sống chung với bụi đá. Vì chẳng còn chỗ khác để đi nên hai vợ chồng ông Thuật cũng đành phó mặc số phận cho trời đất.

Sống chung với bụi đá

Tháng 4, cái nắng mùa khô miền Đông hầm hập, chúng tôi về vùng mỏ đá Tân Cang (thuộc xã Phước Tân, TP. Biên Hòa). Đầu giờ chiều, nắng như đổ lửa, cả đoàn xe ben chạy rầm rập chở đá rớt vương vãi trên đường. Tại mỏ đá Tân Cang 1 và Tân Cang 2, thi thoảng tiếng mìn nổ phá đá vang lên, cả một vùng rộng lớn phụ cận rung bần bật, những đám bụi khổng lồ bay cao tỏa vào khu dân cư. Ông Huỳnh Văn Đạt, một người dân trong xã nhắc nhở chúng tôi mau chóng rời xa khu vực mỏ đá, bởi việc nổ mìn có thể văng mảnh đá vào người đi đường, gây thương tích. “Mấy chú thấy đó, việc nổ mìn như bắn đại bác, làm sao người dân chúng tôi chịu thấu. Chưa kể nổ mìn gây nứt nhà, đá văng lủng mái, người già, con nít không ngủ nghê gì được”-ông Đạt cảm thán.

 

Hiện trường khai thác ở cụm mỏ đá Dĩ An
Hiện trường khai thác ở cụm mỏ đá Dĩ An



Trên tỉnh lộ 768 đi qua huyện Vĩnh Cửu, từ sáng đến chiều, hàng trăm xe tải nặng lao vun vút trên đường. Do không được xử lý đầy đủ nên quá trình chế biến, vận chuyển phát sinh bụi, rơi vãi đá dọc đường làm ảnh hưởng đến người dân lưu thông trên đường, cũng như những hộ dân sống gần mỏ đá và gần đường tỉnh lộ. Cử tri trong huyện đã quá ngao ngán khi việc khai thác khoáng sản trên địa bàn gây ra tình trạng tàn phá môi trường. Bà Nguyễn Thị Mai (ngụ ấp Ông Hường, xã Thiện Tân) than thở: “Tôi mở tiệm bán tạp hóa, buổi sáng tranh thủ bán hủ tiếu, bánh canh, cà phê tại nhà nhưng chỉ được ít hôm đành phải dẹp vì bụi bay mù mịt, bám trắng cả bàn ghế, tô chén, đũa muỗng. Khách chỉ đến ăn sáng một lần rồi… bỏ chạy. Còn các loại bánh, kẹo trong tiệm tạp hóa, tôi phủi bụi suốt nhưng chỉ sau vài mươi phút sau, bụi lại bám đầy”.

Tại mỏ đá Thạnh Phú 2 (Công ty cổ phần Hóa An), bắt đầu khai thác vào cuối năm 2016, đá khai thác lên đưa vào xay nghiền ngay khu vực gần mỏ, bụi bay mù mịt khắp nơi. Ông Thái Mã Thành, Chủ tịch UBND xã Thiện Tân, cho hay, thời gian qua, người dân trong xã liên tục phản ánh với chính quyền địa phương tình trạng khai thác, vận chuyển đá gây bụi, đá rơi dọc tuyến đường gây nguy hiểm cho người lưu thông trên đường. Vừa qua, huyện phải yêu cầu các chủ mỏ khoáng sản đóng tiền để thuê các đơn vị quét dọn và xịt nước để giảm bụi. Theo đó, 2 lần/ngày công nhân vệ sinh thu dọn đất đá xong thì xe ben chở vật liệu lại tiếp tục “thải” ra. Còn phun nước rửa đường chẳng những không mang lại hiệu quả gì mà còn làm gia tăng lầy lội, bởi hai bên đường không có hệ thống thoát nước. Trong một báo cáo chuyên đề ngày 20-2-2017, Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai đã thừa nhận, qua kết quả giám sát các mỏ đá thì “riêng thông số bụi chưa đạt quy chuẩn QCVN 05:2009/BTNMT vào thời điểm mùa khô”.

Tình hình cũng tương tự khu vực mỏ đá thị xã Dĩ An gồm: mỏ đá Núi Nhỏ và cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp. Hàng ngày, người lưu thông qua đây đã phải chịu trận cảnh bụi mù do các mỏ đá gần đó thải ra. Thường sau khi các xe chở đá đi qua, các công ty khai thác đá có bố trí một xe bồn đi tưới nước để giảm bụi nhưng lại khiến con đường lầy lội, trơn trượt. Khổ nhất là người dân ở tại chỗ. Bụi phủ kín mỗi căn nhà từ ngoài vào đến trong và quanh năm hầu hết các gia đình đều đóng kín cửa. Cả một khu vực rộng lớn quanh mỏ đá bị bụi đá bao phủ làm cho cảnh làng xóm, phố phường trở nên tiêu điều, thiếu sức sống.

Theo sggp

Có thể bạn quan tâm