Phóng sự - Ký sự

Cây sao thần và câu chuyện giữ rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sâu trong khu rừng tại H.Đăk Tô (Kon Tum) có một cây sao cát hàng trăm năm tuổi đang được lực lượng bảo vệ rừng luân phiên canh gác. Và câu chuyện giữ rừng của họ cũng đầy cam go, nguy hiểm.

Cách TP.Kon Tum khoảng 60 km về hướng bắc, làng Đăk Chờ (xã Ngọc Tụ, H.Đăk Tô, Kon Tum) nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi rừng hùng vĩ.

Những ngày tháng 4 nắng như đổ lửa, chúng tôi được theo chân nhóm nhân viên bảo vệ rừng đi tuần tra quanh khu vực rừng - nơi có cây sao cát cổ thụ nói trên. Cây sao cát nằm cách làng Đăk Chờ khoảng 5 km. Vì đường đi chủ yếu là dốc đá, để đến nơi cần phải di chuyển bằng xe máy chuyên dụng. Khi xe không thể đi tiếp, cả đoàn sẽ phải đi bộ lội qua 2 con suối cùng những đoạn dốc núi dựng đứng.

Nhân viên Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô tuần tra, bảo vệ rừng

Nhân viên Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô tuần tra, bảo vệ rừng

Dọc đường đi, anh A Thái, Phó trưởng Phân trường 2 (Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô), cho biết mỗi tháng đơn vị triển khai 4 lần tuần tra bảo vệ rừng. Tổ tuần tra thường đi theo nhóm từ 3 - 4 người. Trước khi đi mọi người phải chuẩn bị đầy đủ tư trang, gùi theo đủ các vật dụng như xoong nồi, gạo, thức ăn để ăn ngủ giữa rừng trong 5 ngày.

Anh A Thái kể rằng công việc tuần rừng vô cùng vất vả, đặc biệt là mùa mưa. Những cơn mưa rừng xối xả khiến đường đi trơn trượt, mọi người phải bám vào cây cối ven đường để bước từng bước.

Công việc tuần rừng không chỉ gian nan, trắc trở mà còn rất nguy hiểm, không ít lần chạm mặt lâm tặc. Dẫn đầu đội tuần tra là anh Võ Văn Lĩnh người gầy, đen nhẻm. Anh có thâm niên 5 năm làm công tác quản lý bảo vệ rừng nơi đây. Anh bảo rằng trước đây tại khu vực này đã có một vài trường hợp người dân đi rừng bị rắn cắn, ong đốt đến tử vong. Riêng với bản thân anh, trong nhiều chuyến tuần rừng cũng đã không ít lần đối mặt với lâm tặc. Tuy nhiên, khi lâm tặc phát hiện tổ tuần tra thì vội bỏ chạy vào rừng sâu.

Phút nghỉ ngơi của tổ tuần tra sau một buổi leo dốc núi

Phút nghỉ ngơi của tổ tuần tra sau một buổi leo dốc núi

"Cuối năm ngoái có cán bộ kiểm lâm ở Đắk Lắk bị bắn chết khi đi tuần một mình ở khu vực điểm nóng. Nghe tin ấy, các anh có sợ không?", tôi hỏi.

"Sợ gì! Kẻ trộm thì bao giờ cũng sợ chủ nhà mà. Với lại lực lượng bảo vệ rừng thường đi tuần tra theo nhóm đông người nên lâm tặc cũng không dám manh động", anh Lĩnh nói. Tuy nhiên, theo anh Lĩnh, việc không có công cụ hỗ trợ, chỉ dùng tay không để đối phó với lâm tặc cũng dẫn đến không ít nguy hiểm cho lực lượng bảo vệ rừng.

Cây của Yàng

Sau gần một tiếng đi bộ, cả đoàn cũng đến được vị trí cây sao cát trăm tuổi. Qua tiếng thở dốc, anh Thái giới thiệu cây sao có đường kính hơn 4 m, cao 35 m và phải hơn 10 người lớn mới ôm hết thân cây.

Anh A Thái bên cây sao cát cổ thụ bị lâm tặc cưa hụt

Anh A Thái bên cây sao cát cổ thụ bị lâm tặc cưa hụt

Cùng tham gia bảo vệ khu rừng này, anh A Gon (38 tuổi) bảo rằng dân làng Đăk Chờ chẳng ai nhớ nổi cây sao cát có từ khi nào. Họ chỉ nhớ mang máng đâu chừng 30 năm trước, cây sao bị một nhóm lâm tặc tìm đến đốn hạ. Không hiểu vì nguyên nhân gì, lưỡi cưa của nhóm lâm tặc chỉ lẹm vào thân cây khoảng chừng 1 m rồi dừng lại, không thể ăn sâu thêm nữa. Dù nhóm người xấu đã đưa nhiều đường cưa nhưng đều bất lực.

Người Xơ Đăng nơi đây gọi cây sao cát cổ thụ là cây của Yàng (thần linh), không ai dám cưa hạ. Khi biết tin cây sao đang có nguy cơ bị đốn hạ, người làng Đăk Chờ kéo nhau đến xua đuổi nhóm lâm tặc để bảo vệ cây thiêng. Cũng từ đó trở đi cây sao trăm tuổi mang trên mình vết sẹo sâu hoắm. Ở gốc cây, cách mặt đất khoảng 1 m, có 3 vết cưa lớn, ăn sâu vào thân gỗ. Người dân trong làng đem đến một lư hương đặt ở "vết thương" của gốc cây và thường xuyên cúng bái tỏ lòng thành kính như đối với một vị thần rừng.

Cây sao cát có đường kính hơn 4 m và cao hơn 35 m

Cây sao cát có đường kính hơn 4 m và cao hơn 35 m

Những người không có lễ, tết

Cây sao cát cổ thụ đứng sừng sững như cột chống trời. Ngồi nghỉ bên một gốc cây ven rừng, anh Lĩnh đăm chiêu nhìn đám lá đã khô quắt lại giòn tan dưới chân. Nỗi lo lắng cũng dâng đầy trong mắt anh.

Anh Lĩnh được giao quản lý, bảo vệ khoảng 1.000 ha rừng, trong đó phân nửa là rừng thông trồng. Thứ ám ảnh nhân viên bảo vệ rừng nhất có lẽ là diện tích rừng trồng và lửa. Chỉ cần một tàn thuốc lá cũng đủ để thiêu rụi hàng trăm héc ta rừng trong phút chốc. Cũng vào mùa khô năm trước, trong khu vực anh Lĩnh quản lý bất ngờ xảy ra cháy rừng. Sau khi phát hiện, anh Lĩnh đã nhanh chóng đi dập lửa. Thế nhưng tới lúc ngọn lửa được kiểm soát thì đã có vài héc ta rừng trồng đã bị cháy rụi. Sau vụ việc ấy, anh Lĩnh không chỉ bị kỷ luật mà còn phải bỏ tiền túi ra khắc phục sự cố.

Cây sao cát cổ thụ đứng sừng sững như cột chống trời

Cây sao cát cổ thụ đứng sừng sững như cột chống trời

"Nhưng đấy là còn may khi chỉ phải bỏ tiền ra khắc phục. Có những người còn chẳng có cơ hội sửa sai. Đầu năm 2023, tiểu khu 596 của Công ty nguyên liệu giấy Miền Nam xảy ra cháy rừng. Tổ trực cháy tại hiện trường tổ chức chữa cháy rừng. Thế nhưng khi đám cháy được dập tắt thì 2 người trong tổ đã tử vong do ngạt khói, 7 ha rừng trồng cũng cháy rụi", anh Lĩnh nhớ lại.

Vào những ngày lễ, tết là thời điểm lực lượng quản lý bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô phải căng mình trong công tác kiểm tra, tuần tra, kiểm soát lâm sản và động vật rừng. Bên cạnh đó là kiểm tra rừng và truy quét lâm tặc tại các khu vực rừng có nguy cơ bị xâm hại, khai thác lâm sản trái pháp luật, cũng như phòng cháy chữa cháy rừng. Đây là thời điểm nhạy cảm mà lâm tặc thường nhắm tới để phá rừng. Cũng bởi vậy mà các cán bộ, nhân viên của công ty hầu như không có lễ, tết.

Cây sao cát cổ thụ được người dân, chính quyền địa phương và công ty lâm nghiệp bảo vệ nghiêm ngặt

Cây sao cát cổ thụ được người dân, chính quyền địa phương và công ty lâm nghiệp bảo vệ nghiêm ngặt

"Vợ mình làm ở Bệnh viện H.Tu Mơ Rông (Kon Tum) cách nhà hơn 30 km. Vào dịp lễ, tết 2 vợ chồng đều trực, chưa có năm nào cả gia đình được đón cái tết trọn vẹn. Có lần mùng 1 tết, mình gọi về nhắc con ăn uống. Trong điện thoại con gái nũng nịu đòi ba mẹ dắt đi du xuân. Những lúc như thế lại thấy thương con vô cùng, nhưng công việc mà…", câu chuyện dừng lại ở đấy khi anh Lĩnh chăm chú nhìn sợi khói bay lên phía cuối rừng.

Ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô, cho biết đơn vị được UBND tỉnh Kon Tum giao quản lý, bảo vệ khoảng 24.000 ha đất và rừng tự nhiên. Lâm phần của công ty nằm trên địa phận 3 huyện Đăk Tô, Tu Mơ Rông và Sa Thầy (Kon Tum).

Theo ông Chung, cho đến nay vẫn chưa có đơn vị nào đo, kiểm tra, phân tích tuổi thật sự của cây sao cát cổ thụ này. Ước tính giải tích sinh trưởng từ tâm cây ra hơn 2.000 ly, về năm tuổi thật sự từ 250 năm trở lên. Tuy nhiên người dân địa phương quen gọi là cây sao ngàn năm tuổi. Từ nhiều năm qua, cây sao cát này được người dân, chính quyền địa phương và công ty bảo vệ tuyệt đối, không bị xâm hại. Người dân thường xuyên tổ chức các nhóm tuần tra, bảo vệ cây 24/24, tránh kẻ xấu nhòm ngó.

Có thể bạn quan tâm