Phóng sự - Ký sự

Vợ chồng cựu chiến binh và những ký ức không thể nào quên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hơn nửa thế kỷ đã qua nhưng ký ức về những năm tháng gian khổ mà hào hùng vẫn vẹn nguyên trong trái tim vợ chồng cựu chiến binh Nguyễn Văn Bình-Lê Thị Anh Đào hiện sinh sống tại nhà số 463 Phạm Văn Đồng (tổ 2, phường Đống Đa, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai).

Thoát chết trong gang tấc

Cũng như bao thanh niên của vùng đất Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh), tròn 18 tuổi, ông Bình đăng ký tham gia lực lượng thanh niên xung phong để được ghi danh trong đội vận tải phục vụ kháng chiến. Do gầy gò, ốm yếu nên ông Bình không qua được vòng khám tuyển. Nhìn lớp lớp thanh niên từng đợt, từng đợt lên đường nhập ngũ, ông Bình thấy lòng mình như lửa đốt. Năm 1964, một lần nữa, ông làm đơn xin ra chiến trường. Trong đơn, ông cũng nêu rõ: dáng người nhỏ, sức khỏe yếu, không thể thồ hàng, tải đạn nhưng có thể cầm súng đánh giặc, luồn rừng làm liên lạc…

Lần này, ông được tuyển chọn và biên chế về Đại đội 1 (Tiểu đoàn 1, Đoàn 325B, Bộ Quốc phòng). Sau 3 tháng huấn luyện tại quê nhà, ông theo đơn vị hành quân vào huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình) tiếp tục huấn luyện để thực hiện nhiệm vụ đánh công kiên, tức là đánh những đồn bốt kiên cố của địch. Tháng 7-1965, đơn vị ông nhận lệnh hành quân vào chiến trường Tây Nguyên tham gia đánh đồn bốt địch ở thung lũng Ia Drăng (huyện Chư Prông).

Ngồi cạnh ông Bình, bà Đào nhẹ nhắc chồng kể cho chúng tôi nghe câu chuyện hy hữu xảy ra vào một buổi chiều đầu tháng 10-1965, khi tham gia chiến đấu tại thung lũng Ia Drăng. Như mọi ngày, ông nhận lệnh truyền tin từ chỉ huy đến cán bộ, chiến sĩ tuyến đầu theo đường dây hữu tuyến. Trên đường quay trở lại đơn vị, đường dây hữu tuyến bị đứt do địch ném bom. Trong lúc tìm đường trở về đơn vị, ông bị địch phát hiện, nổ súng tấn công. Mải miết chạy để né làn đạn của địch, đến lúc ngoảnh lại, ông mới biết mình lạc trong rừng. Gần 5 giờ đồng hồ dò đường, ông trở về đơn vị trong sự ngỡ ngàng và vỡ òa niềm vui của đồng đội. “Quá lâu không thấy ông ấy trở về, đơn vị cắt cử người đi nghe ngóng tình hình thì hay tin địch mới bắt và tra tấn đến chết một chiến sĩ của ta. Qua mô tả, người này có tướng mạo giống với ông ấy. Nghĩ ông ấy đã hy sinh, anh em đơn vị quyết định mở ba lô cá nhân, lục tìm địa chỉ cùng những kỷ vật để báo tin về gia đình”-bà Đào tiếp lời chồng.

Vợ chồng cựu chiến binh Nguyễn Văn Bình-Lê Thị Anh Đào. Ảnh: P.D

Vợ chồng cựu chiến binh Nguyễn Văn Bình-Lê Thị Anh Đào. Ảnh: P.D

Nhắc về lần may mắn thoát chết, ông Bình cười mà rằng, nhờ nhỏ con, chạy nhanh và khéo luồn lách. Rồi ông vạch áo để lộ vết sẹo dài nơi bả vai phải do viên đạn sượt qua. Kế đến, ông giơ bàn tay trái, ở đó có ngón tay giữa bị thương tật không thể co duỗi. Cả 2 vết thương đều trong 1 trận đánh năm 1967 tại gần biên giới Đức Cơ. Vết thương dẫu không đe dọa đến tính mạng, nhưng không cho ông cơ hội tiếp tục ở lại tuyến đầu, trực tiếp cầm súng chiến đấu. Sau đó, ông được bố trí về Đoàn Quân y 211 làm nhiệm vụ bảo vệ y-bác sĩ và các thương-bệnh binh.

Xin làm... binh nhì

Bà Đào cũng có dáng vóc nhỏ nhắn. Vậy nên, tháng 7-1965, khi đăng ký tham gia lực lượng thanh niên xung phong, bà rất sợ mình bị loại. “May mắn là tôi có điểm ưu tiên vì tích cực tham gia sinh hoạt Đoàn tại cơ sở. Sau đó, tôi được biên chế về Trạm 20 đóng ở làng Ho (tỉnh Quảng Bình) và tham gia nhiệm vụ thồ hàng, tải đạn dược, lương thực… phục vụ chiến đấu”-bà Đào nhớ lại tuổi 18 đầy tự hào.

6 tháng sau, trong một lần hành quân, cán bộ, chiến sĩ Đoàn Quân y 211 đã dừng nghỉ tại nơi đơn vị bà Đào đóng quân. Lúc này, số lượng thương-bệnh binh cần chăm sóc khá đông, trong khi đội ngũ y-bác sĩ thì ít. “Qua nắm bắt tình hình tâm tư, nguyện vọng và kiểm tra sức khỏe, 40 nữ thanh niên của trạm chúng tôi được chọn theo Đoàn Quân y 211. Khi đó, nghe chỉ huy đơn vị đọc quyết định, chúng tôi đều là binh nhất. Vì mới chuyển sang, chưa hiểu về phiên hiệu, cấp bậc trong quân đội, chúng tôi đồng loạt thắc mắc và xin được lên... binh nhì. Khi nghe thủ trưởng đơn vị giải thích, chúng tôi vừa ngượng, vừa vui sướng”-bà Đào cười vui khi nhắc nhớ kỷ niệm đã qua.

Bà Đào giới thiệu về chiếc ly kỷ vật. Ảnh: P.D

Bà Đào giới thiệu về chiếc ly kỷ vật. Ảnh: P.D

Như nhớ ra điều gì, bà đứng dậy đi vào nhà trong. Một lúc sau, bà mang ra giới thiệu với chúng tôi một số kỷ vật như: 1 chiếc ly bằng sắt tráng men trắng có dòng chữ “Quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược”, 1 chiếc bình bi đông và 1 chiếc đĩa thiếc. Cùng với các kỷ vật là chiếc hộp thiếc, bên trong chứa đựng các loại huân chương, huy chương, huy hiệu Đảng, cầu vai… Bà Đào bộc bạch: “Phần thưởng cho chặng đường công tác của vợ chồng tôi đều ở trong này. Tôi cất giữ cẩn thận, thỉnh thoảng mang ra kể với con cháu để chúng hiểu về truyền thống gia đình, từ đó mà nỗ lực học tập, rèn luyện, công tác và cống hiến”.

Hạnh phúc và tự hào

Cùng quê, cùng đơn vị nhưng mãi đến năm 1969, khi bà Đào được phân công về phụ trách công tác chăm sóc sức khỏe cán bộ, chiến sĩ trong cơ quan, trở thành cấp dưới của ông Bình, 2 người mới quen biết nhau. “Có lần, đơn vị bị lộ phải sơ tán vào rừng. Từ 9 giờ sáng đến 6 giờ chiều, máy bay địch quần thảo trên bầu trời, chúng tôi không dám rời vị trí ẩn nấp dù tất cả đều đói và mệt. Ban hành chính khi đó có 3 nữ, tôi lại thấp bé nhất, có lẽ vì vậy mà ông ấy quan tâm tôi nhiều hơn”-bà Đào kể.

Quý mến và dành tình cảm cho nhau nhưng vì lệnh “cấm yêu” của đơn vị, 2 người đành giấu kín. Giải thích thêm về lệnh cấm, ông Bình cho hay: “Do tính chất công việc, đơn vị thường xuyên phải di chuyển trong nhiều địa hình khác nhau. Thương-bệnh binh nặng có, nhẹ có cần được chữa trị, chăm sóc… Nếu kết hôn, rồi sinh con rất khó để chu toàn mọi việc, nhất là khi cuộc chiến đang trong giai đoạn khốc liệt”. Tháng 2-1975, khi lệnh “cấm yêu” được hủy bỏ, ông bà mới công khai tình cảm, báo cáo đơn vị và được đơn vị đứng ra tổ chức đám cưới. “Nhờ tăng gia sản xuất nên đám cưới của chúng tôi có cả tiệc mặn lẫn tiệc ngọt. Ngoài thủ trưởng, đồng đội và các thương-bệnh binh đang điều trị tại đơn vị, một số anh em đồng hương trên đường hành quân hay tin cũng ghé vào gửi lời chúc mừng”-bà Đào bồi hồi nhớ lại.

Ông Bình giới thiệu về chiếc bình Bi đông. Ảnh: P.D

Ông Bình giới thiệu về chiếc bình Bi đông. Ảnh: P.D

Bà Nguyễn Thị Minh Trí-Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh tổ 2, phường Đống Đa, TP. Pleiku: Gia đình cựu chiến binh Nguyễn Văn Bình là tấm gương sáng để thế hệ con cháu noi theo. Ông bà luôn phát huy phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong đời sống hàng ngày và trong nuôi dạy con cháu. Sau khi nghỉ hưu, ông Bình tham gia 2 nhiệm kỳ làm bí thư chi bộ, rồi tổ trưởng tổ dân phố, chi hội trưởng chi hội cựu chiến binh.

Hướng ánh mắt về phía vách tường, nơi treo các phần thưởng như: Huân chương Kháng chiến hạng nhì của 2 vợ chồng, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng ba của ông, Huân chương Kháng chiến hạng ba của bà và Huy hiệu 50, 55 năm tuổi Đảng của ông, bà Đào không giấu được niềm vui: “Chúng tôi may mắn vì đã cùng nhau đồng hành từ những tháng ngày gian khổ cho đến hôm nay. Chúng tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc, tự hào. Càng vui hơn vì Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn dành sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt đối với những gia đình chính sách, người có công”.

Có thể bạn quan tâm