Phóng sự - Ký sự

Về nơi “một tiếng gà gáy 3 nước cùng nghe”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Xong việc ở tuyến ngoài, chúng tôi vào kiểm tra khu vực ngã ba biên giới. Kể từ khi ở cương vị Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, đây là lần thứ năm tôi vào thị sát “thánh địa” này. 

Và cứ mỗi lần đến đây, tôi lại có thêm những cảm nhận mới, những ý tưởng mới về vùng đất thiêng liêng có tên là “ngã ba biên giới”. Ai có may mắn đến nơi này đều bâng khuâng khôn tả khi nghe được những chú gà trống của ba nước Việt-Miên-Lào cùng cất tiếng gáy đón chào bình minh…”. Dòng hồi ký của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên-nguyên Tư lệnh Đoàn 559 (Bộ đội Trường Sơn thời đánh Mỹ) đã đưa tôi đến nơi “một tiếng gà gáy 3 nước cùng nghe” trong một ngày cuối tháng tư lịch sử.

Chạm vào cột mốc thiêng liêng

Chỉ với hơn 120 km nhưng quãng đường từ TP. Pleiku đến vùng đất được mệnh danh là “ngã ba Đông Dương” dày đặc các di tích gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta. Ngoài 2 đô thị tỉnh lỵ Pleiku và Kon Tum, tại khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh có núi Chư Thoi-Chư Pao (huyện Chư Păh) gắn với chiến công của Trung đoàn 95 (Đoàn Mang Yang) cùng các đơn vị tăng cường thực hiện nhiệm vụ cắt đường 14 vào năm 1972. Qua khỏi TP. Kon Tum thơ mộng là vùng đất Đăk Tô huyền thoại gắn với chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh năm 1972. Và, điểm cuối cùng của hành trình này là cột mốc biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia.

Cột mốc ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia. Ảnh: D.L

Cột mốc ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia. Ảnh: D.L

Mới 9 giờ sáng nhưng cái nắng hanh hao của mùa khô Tây Nguyên đã bao trùm cả một vùng đồi núi nơi ngã ba biên giới. Con đường từ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y đến khu vực đặt cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc như dải lụa mềm uốn lượn giữa đồi núi trập trùng xen lẫn với những nương rẫy cà phê của người dân. Sau một hồi trườn qua những con dốc đứng với nhiều khúc cua tay áo, chiếc xe chở chúng tôi cũng đã dừng tại khu vực tập kết. Nơi đây được quy hoạch khá bài bản với bãi đậu xe rộng hàng trăm mét vuông, nhà làm việc của Trạm Biên phòng và các gian hàng phục vụ du khách đến tham quan.

Cùng tôi vượt qua 120 bậc đá để đến với khu vực cột mốc, Thượng tá Hoàng Xuân Hân-Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y-vui vẻ cho biết: Cột mốc này được khởi công xây dựng ngày 29-11-2007 và khánh thành ngày 18-1-2008. Cột mốc được cắm trên đỉnh núi có độ cao 1.086 m, phía Việt Nam là tỉnh Kon Tum, phía Lào là tỉnh Attapeu, phía Campuchia là tỉnh Ratanakiri, cách Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y 10 km, cách TP. Kon Tum 90 km. Vị trí mốc ngã ba biên giới là điểm cuối cùng của đường biên giới đất liền Việt Nam-Lào dài 2.337,459 km và điểm đầu tiên của đường biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia dài 1.257,781 km. Cột mốc được thiết kế thân hình trụ có chóp tam giác đều; chiều cao 2 m, rộng 0,6 m; nặng nguyên khối 900 kg; vật liệu được làm bằng đá hoa cương nguyên khối; trên mỗi mặt mốc có khắc quốc huy, biểu tượng, tên quốc gia và số năm cắm mốc; mặt mốc hướng về mỗi quốc gia; đế mốc hình tròn thể hiện sự bình đẳng và phù hợp với địa hình, điều kiện tự nhiên của khu vực…

Các chiến sĩ biên phòng thực hiện tuần tra, canh gác tại cột mốc. Ảnh: D.L

Các chiến sĩ biên phòng thực hiện tuần tra, canh gác tại cột mốc. Ảnh: D.L

Đưa bàn tay run run khẽ chạm vào cột mốc, bà Nguyễn Thị Kim Lang-du khách đến từ huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang) chia sẻ: “Nước ta có 2 cột mốc đặc biệt, một đặt tại A Pa Chải thuộc địa phận huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên (ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Trung Quốc), thứ hai là cột mốc ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia”. Qua câu chuyện của những người lần đầu gặp nhau tại “thánh địa” ngã ba biên giới, chúng tôi được biết bà Lang cùng nhóm du khách miền Tây Nam Bộ đã có chuyến du lịch rất thú vị tại Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum. “Tôi rất hạnh phúc và tự hào khi được đặt chân lên vùng Tây Nguyên hùng vĩ, đặc biệt là được chiêm ngắm cột mốc ngã ba biên giới. Khi đặt chân đến đây, trong tôi dâng lên cảm xúc rất tự hào về đất nước mình”-bà Lang trải lòng.

Trong khi đó, ông Lê Hiền Tráng-du khách đến từ huyện Bình Đại (tỉnh Bến Tre) thì không tiếc lời khen lực lượng phục vụ tại điểm tham quan này: “Các đồng chí bộ đội Biên phòng hướng dẫn chúng tôi rất tận tình. Mặc dù đã tìm hiểu thông tin, hình ảnh trên mạng internet nhưng tôi thật sự bất ngờ vì cảnh núi non hùng vĩ nơi đây. Đặc biệt là lần đầu tiên tôi được chạm vào cột mốc giữa 3 nước láng giềng”.

Tác giả (bìa phải) chụp ảnh lưu niệm cùng du khách tham quan tại cột mốc. Ảnh: D.L

Tác giả (bìa phải) chụp ảnh lưu niệm cùng du khách tham quan tại cột mốc. Ảnh: D.L

Qua trò chuyện với hàng chục du khách, tôi đều ghi nhận ở họ cảm xúc rất đặc biệt, trong đó có niềm tự hào về truyền thống anh hùng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta. Còn tôi, có lẽ xin mượn một đoạn trong bài thơ “Tiếng hát từ cột mốc ba biên” của Phạm Thị Vân Anh để nói hộ lòng mình: “Tôi đứng đây ngã ba biên giới/Đồi tròn nghiêng nghiêng đón gió ba miền/Núi vờn mây vươn về với biển/Sông nối dòng ăm ắp phù sa/Trời xanh quá, núi rừng bình yên quá/Túi bom năm xưa đang đổi mới từng ngày”.

Khu du lịch nhộn nhịp trong tương lai

Khi tôi đặt vấn đề tìm hiểu về lượng du khách tham quan cột mốc ngã ba biên giới, một sĩ quan của Trạm Biên phòng “xin 10 phút để thống kê con số chính xác”. Và, kết quả khiến tôi cũng như các đồng nghiệp thật sự bất ngờ: Từ ngày 1-1-2024 đến ngày 13-4-2024, có 12.462 lượt du khách đến tham quan khu vực này (chưa kể các đoàn công tác và người dân trong khu vực). Theo tôi, đây là “con số biết nói”, thể hiện sức hút của vùng “thánh địa” theo cách gọi của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.

Theo Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y: Kể từ khi khánh thành công trình cột mốc, lượng du khách đến tham quan khu vực này rất đông. Ngoài tham quan 1 trong 2 cột mốc đặc biệt ở Việt Nam, các cựu chiến binh, người dân và du khách còn đến thăm viếng Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trường Sơn cách đó không xa. Đây là công trình tâm linh có kiến trúc rất đẹp với kinh phí xây dựng 17 tỷ đồng do Sacombank tài trợ.

Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trường Sơn. Ảnh: D.L

Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trường Sơn. Ảnh: D.L

Trong thời gian lưu lại xã vùng biên Bờ Y, tôi may mắn được trò chuyện với bà Y Pan (94 tuổi, dân tộc Brâu, làng Đăk Mế). Tuy tuổi cao và hơi lãng tai nhưng bà Y Pan nhớ chính xác những bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình: Bà được sinh ra và lớn lên tại làng Đăk Mế. Từ lúc còn thiếu niên, bà đã tham gia hoạt động cách mạng tại địa phương. Năm 1959, bà được đưa ra miền Bắc để học tập và công tác. Sau năm 1975, bà trở về công tác tại huyện Đăk Tô. Năm 1990, bà chuyển về quê sinh sống và tham gia công tác đoàn thể. Trong quá trình công tác, nữ cán bộ người Brâu này từng được bầu làm Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Chia sẻ về nguồn gốc dân tộc mình, bà Y Pan cho hay: Brâu là 1 trong 2 dân tộc rất ít người của tỉnh Kon Tum. Bà con sống chủ yếu ở làng Đăk Mế. Trước đây, làng Đăk Mế ở gần ngã ba biên giới. Sau này, làng dời về khu vực trung tâm xã để thuận tiện cho sản xuất và đời sống. Hiện nay, cộng đồng người Brâu còn bảo tồn nhiều phong tục tập quán và nét văn hóa đặc sắc.

Bà Y Pan (làng Đăk Mế, xã Bờ Y) chia sẻ thông tin về dân tộc Brâu. Ảnh: D.L

Bà Y Pan (làng Đăk Mế, xã Bờ Y) chia sẻ thông tin về dân tộc Brâu. Ảnh: D.L

Nhiều năm qua, câu chuyện cuộc đời bà Y Pan và dân tộc Brâu của mình đã gợi cho cấp ủy, chính quyền địa phương những ý tưởng, chương trình, kế hoạch bảo tồn bản sắc văn hóa tộc người gắn với phát triển du lịch trên vùng “ngã ba Đông Dương”.

Với tiềm năng và lợi thế về nhiều mặt, từ năm 2012, UBND tỉnh Kon Tum đã phê duyệt Đề án khai thác du lịch khu vực cột mốc quốc giới chung 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia với mục tiêu là: khai thác tiềm năng lợi thế vị trí cột mốc quốc giới chung 3 nước để hình thành và phát triển du lịch trên địa bàn của tỉnh, góp phần thúc đẩy nền kinh tế hàng hóa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần nhóm ngành dịch vụ, du lịch. Hiện nay, đề án nói trên đang tiếp tục được triển khai nhằm biến tiềm năng, lợi thế thành động lực phát triển, xứng tầm với vị trí chiến lược của khu vực cực Bắc Tây Nguyên.

Thay lời kết

Mặc dù còn rất nhiều điều thú vị nhưng cuối cùng tôi phải chia tay vùng đất “ngã ba biên” trong nắng chiều buông xuống cánh rừng phía Tây. Lần lượt đi qua thị trấn Plei Kần, Đăk Tô, Đăk Hà rồi dừng lại bên cây cầu Đăk Bla thơ mộng, bỗng chốc tôi nhìn về phía TP. Pleiku với ý tưởng tăng cường hợp tác, liên kết để hình thành các tour du lịch khu vực Bắc Tây Nguyên. Tại sao không?

Có thể bạn quan tâm