Phóng sự - Ký sự

Bài 2: Dấu son Đê Đoa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Làng Đê Đoa (xã Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa) tự hào là nơi sinh ra Anh hùng Wừu. Những thế hệ người làng Đê Đoa nối tiếp nhau theo cách mạng, không kể già trẻ, gái trai, không kể việc lớn việc nhỏ. Trang sử cách mạng cứ nối dài những dấu son…

Làng Đê Đoa đánh giặc
 

Bìa cuốn sách "Bok Wừu" do Sở Văn hóa-Thông tin Gia Lai-Kon Tum xuất bản năm 1993, tranh vẽ của Trần Thọ và Xu Man.

Trong cuốn “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Gia Lai” do UBND tỉnh Gia Lai phát hành ghi lại cảnh Anh hùng Wừu bị giặc bắt và giết chết: “Tháng 4-1952, trong khi đi công tác, đồng chí Wừu lại bị địch bắt. Lần này chúng tra tấn đủ mọi cực hình: cắt 2 tai, chặt 10 ngón tay rồi xẻo mũi nhưng đồng chí vẫn nêu cao khí tiết người chiến sĩ cách mạng, không hề khai báo mà còn nói thẳng vào mặt chúng: “Chúng mày có giết tao thì trăm ngàn người như tao sẽ giết chúng mày”. Cuối cùng, ông đã dùng mưu dẫn bọn chúng đến nơi trước đây đã cùng dân quân du kích bố trí hầm chông, nói là chiến khu bí mật của ta. Bọn địch sục vào bị hầm chông, chết và bị thương hàng chục tên. Chúng điên cuồng dã man dùng dao khoét đôi mắt, bắn chết ông rồi vứt xác xuống sông”. Sự hy sinh anh dũng của ông đã thắp lên ngọn lửa đấu tranh xuyên suốt qua các thế hệ người Đê Đoa, từ kháng chiến chống Pháp tới chống Mỹ-Ngụy.

…Bok Wừu hy sinh nhưng con cháu bok còn ở đó. Những người con làng Đê Đoa chưa quên cái chết của người. Nằm giữa nanh vuốt địch, dân làng Đê Đoa chẳng những không nao núng mà còn trở thành “địa chỉ đỏ” nuôi giấu, giúp đỡ cách mạng. “Trong kháng chiến chống Mỹ, Đak Sơ Mei là căn cứ của Huyện đội khu III (khi ấy là xã Đak Đoa, huyện Mang Yang), cũng đồng thời là “điểm nóng” của địch. Đồn, bốt được địch bố trí dày đặc. Quanh làng Đê Đoa không ngày nào im tiếng súng, Mỹ-Ngụy còn dựng hẳn một sân bay dã chiến ngay sát làng. Con mắt địch lúc nào cũng chăm chăm hướng vào làng, bởi đây là làng của bok Wừu-người từng khiến giặc Pháp bao phen chịu cảnh ôm đầu máu. Chúng biết, làng Đê Đoa làm cách mạng, theo cách mạng, chúng phải cảnh giác và để mắt…”-ông Đinh Nhiếp, nguyên là Xã đội trưởng Xã đội Đak Sơ Mei, chậm rãi kể lại.

 

Một góc làng Đê Đoa. Ảnh Hồng Thi

Noi gương Anh hùng Wừu, suốt những năm tháng chiến tranh sau đó, hết chống Pháp rồi tới Mỹ-Ngụy, người làng Đê Đoa trẻ thì xung phong đi bộ đội, làm dân quân du kích, phụ nữ ở nhà sản xuất, tiếp tế nuôi quân. Người già, trẻ nhỏ xung phong làm liên lạc... Gạo, măng theo chân người lên rừng cho bộ đội: “Có củ măng rừng người Đê Đoa cũng sẻ làm đôi”-ông Đinh Nhiếp nói. Cái tình ấy đối với cách mạng cũng đủ để thấy, thế địch mạnh cỡ mấy cũng chẳng giành được Đê Đoa. Bởi vậy, giữa cơ man đồn bốt, cơ sở của ta vẫn bám trụ được với làng. Những căn cứ bí mật của bộ đội giăng đầy khắp phía: phía Đông là căn cứ Đak Ding Dung, Đak Muh; phía Bắc là Đak Cơ Pech của Trung đoàn 408 và hàng chục căn cứ khác. Bao trận công đồn giành thắng lợi, ghi dấu đóng góp của người làng Đê Đoa.

Đổi thay trên quê hương anh hùng

Sau ngày quê hương sạch bóng quân thù, người Đê Đoa chung tay xây dựng cuộc sống ấm no. Chính quyền địa phương vận động bà con dời làng về trung tâm xã, có điện đường, trường, trạm để thuận lợi phát triển kinh tế và con em Đê Đoa được đến trường học cái chữ. Vậy nhưng, đánh giặc xâm lăng đã khó, để thắng giặc đói, giặc nghèo, giặc dốt cũng khó bội phần.

 

…Mới nghe cán bộ nói sắp tới sẽ đưa cây lúa nước về trồng, cả dân làng nhốn nháo. Lâu nay cây lúa mọc trên đất khô, Yàng đã sinh ra như thế, giờ lại bắt cây lúa sống dưới nước thì sống sao được mà nói sẽ cho nhiều thóc lúa? Lòng dân Đê Đoa lâu nay tin cán bộ, theo Đảng nhưng khi nghe nói, cây lúa phải trồng dưới nước thì chưa tin. Rồi Yàng sẽ trừng phạt cả làng vì cái tội dám trái ý Yàng. Chỉ đến ấy thôi, cả buổi họp đã chẳng thể tiếp tục, dân làng kéo nhau bỏ về. Nhiều người nóng nảy còn nặng lời mắng cán bộ, kiên quyết không cho làm vì sợ vạ lây…-Bí thư chi bộ làng Đê Đoa-ông Blứk, kể lại hành trình gian khổ khi đưa cây lúa nước về làng.
 

Ngôi trường mang tên Anh hùng Wừu trên chính quê hương ông. Ảnh: Minh Triều

Ngày ấy, tỉnh có chủ trương đưa cây lúa nước về làng thay cho lúa rẫy mỗi năm một vụ để giúp dân Đê Đoa chóng hết đói, hết nghèo. Dân Đê Đoa đã bao năm không tiếc công sức, cơm gạo và cống hiến máu xương cho cách mạng, giờ phải nhanh chóng bắt tay tìm đường sản xuất, để dân đói ấy là có tội với dân. Cán bộ xã, thôn là những người gần dân nhất, phải vận động sao cho dân thay đổi tập quán canh tác. Khó lắm, chính ông Blứk trong lòng vẫn lo ngay ngáy… Hiểu được lòng Blứk, cán bộ huyện, rồi xã động viên, Blứk dần vững dạ hơn rồi cùng với mấy người dân trong làng có vẻ xuôi lòng nhất cùng nhau be bờ, đắp ruộng thử xem sao. Chả mấy chốc, ruộng nước thành hình hài, hạt lúa nảy mầm xanh. Lòng Blứk thấy yên tâm mươi phần. Đến khi thấy lúa lên xanh tốt, chỉ vài tháng đã trổ bông, người làng đã khối người mon men xuống thăm ruộng lúa, vẻ mặt hy vọng… Vụ lúa nước đầu tiên cả làng không dám tin là nhiều thóc thế. Thóc chắc mẩy, vàng ươm, vụ lúa ấy cả làng mừng rỡ. “Cán bộ nói không sai, người của Đảng chỉ cho dân cách làm hay mà mình không biết…”-người dân trong làng nói với nhau như vậy. Từ vài ba thửa ruộng mẫu ban đầu, đến nay, bao quanh làng là những chân ruộng lúa thẳng tít tắp, xanh ngắt: cánh đồng Đak Tơ Ngyơ, Đak Tơ Ngoar, Đak Mơ Rang… nối nhau trải rộng. Cả làng có 60 hộ người Bahnar đã có hơn 25 ha lúa nước hai vụ, chẳng có nhà nào không biết làm lúa nước nữa. Cái đói lui vào dĩ vãng…

Tiếp nối cây lúa là cây cà phê, cao su, điều rồi hàng loạt các loại cây công nghiệp khác được người dân Đê Đoa mạnh dạn trồng. “Bây giờ, nhiều hộ có thu nhập vài chục triệu đồng mỗi năm, có người xây được nhà to, mua sắm tiện nghi đắt tiền. Con cháu Đê Đoa cũng đã có người học hành trưởng thành, giờ đi làm cô giáo, ấy là Bleng. Cái quý là, người dân Đê Đoa luôn một lòng đi theo Đảng, theo Bác Hồ và theo bok Wừu-người con ưu tú của làng Đê Đoa”-Blứk nhấn mạnh.

Minh Dưỡng-Lê Hòa-Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm