Phóng sự - Ký sự

Bài 2: Ký ức Điện Biên Phủ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 60 mùa xuân đã qua, thế nhưng chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn vẹn nguyên trong ký ức của những người chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi khi ấy, nay đã là những cựu chiến binh ở cái “tuổi xưa nay hiếm”, vẫn đau đáu trong lòng nhiều nỗi niềm khi quay trở về thăm chiến trường xưa-nơi thấm đẫm máu của biết bao đồng đội đã ngã xuống…

Thời tiết Điện Biên đầu tháng 5 khá oi bức, nhưng từ Mường Phăng (huyện Điện Biên)-nơi đặt Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ cho đến các cứ điểm đồi A1, D1, E, Nghĩa trang Liệt sĩ đồi A1, hầm Đờ-cát… đâu đâu cũng hiện diện màu xanh áo lính của những cựu chiến binh từ khắp mọi miền đất nước hội tụ về, trong đó có những người lính cách đây 60 năm từng góp phần làm nên chiến thắng lịch sử. Những cái bắt tay siết chặt dù hoàn toàn xa lạ, những câu thăm hỏi thân tình như quen từ lâu lắm của những cựu chiến binh... Chỉ cần là người lính từng vào sinh ra tử, họ đã là bạn, là đồng đội-mãi mãi.

Ông Hoàng Văn Bảy-chiến sĩ Điện Biên tham gia đánh chiếm đồi A1. Ảnh: Minh Triều

Cuộc trở về…

Con đường nhiều đồi dốc dẫn vào nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (xã Mường Phăng, cách TP. Điện Biên Phủ hơn 30 km), thỉnh thoảng lại có những chiếc cầu nhỏ bắc qua suối. Hình ảnh một cụ già một tay cầm gậy, một tay nắm chặt lấy tay con gái rồi nhấc từng bước chân chậm rãi, khó nhọc cố gắng để vào được nơi làm việc trước đây của Đại tướng và Bộ chỉ huy chiến dịch khiến nhiều người xúc động. Đó là cha con ông Lê Ngọc Quỳnh và con gái Lê Quỳnh Dung (Phố Huế, Hà Nội).

Đã 81 tuổi, lại từng trải qua một cơn tai biến nhưng đây là lần thứ hai ông Quỳnh về thăm lại chiến trường xưa. “Lần trước, cách đây 10 năm cha tôi còn khỏe nên có thể đi một mình theo đoàn được, nhưng lần này tuổi đã cao, lại đang bệnh không thể tự lo nên tôi phải đưa cụ đi. Tôi cũng không ngờ là khi về Điện Biên cụ lại đi được một quãng đường xa đến vậy”-chị Dung chia sẻ. Chỉ tay về phía trước, nơi một cụ bà đang ngồi thở dốc trên ghế đá phía xa, người con gái của cụ Quỳnh cho biết đó là mẹ chị-bà Phan Minh Thúy, cũng là một chiến sĩ Điện Biên năm xưa.

Cha và con cùng trở về thăm lại chiến trường. Ảnh: Minh Triều

Khi nghe chúng tôi nhắc đến cụm từ “chiến trường xưa”, nét mặt cụ Quỳnh như giãn ra, những ký ức chực sẵn trong ông như một thác nước ầm ào đổ về, ánh mắt bừng lên vẻ tự hào. Câu chuyện của người lính trong quá khứ được hiển hiện một cách rõ ràng. 60 năm trước, chàng trai tên Lê Ngọc Quỳnh khi đó vừa tròn 19 tuổi là một chiến sĩ quân y thuộc Trung đoàn 165, Đại đoàn 312, tham gia trong đợt tấn công đồi Độc Lập ngày 14-3. Khi chiến dịch bắt đầu, đạn pháo dồn đập, dọc tuyến đường từ Điện Biên đi Tuần Giáo thương binh đưa về tuyến sau liên tục. “Cứ như vậy, hết đợt này đi, đợt khác lại về, chúng tôi nhiều đêm phải thức trắng để cấp cứu cho thương binh. Với khẩu hiệu “hết mình cho tiền tuyến, hết mình để chiến dịch thắng lợi”, dù gian khổ, vất vả nhưng ai nấy cũng đều làm việc không mệt mỏi”-ông Quỳnh kể lại.

Tiếp lời chồng, bà Thúy hồi tưởng lại những ngày tham gia cứu thương nơi tuyến đầu ở các cứ điểm Him Lam-Độc Lập. Phía dưới giao thông hào việc cứu chữa thương binh diễn ra liên tục, phía trên là đạn pháo nổ ầm ầm của ta và địch, sự sống và cái chết lúc này trở nên hết sức mong manh. Và cũng chính nơi đây-nơi mà người cha ruột của bà cùng người anh rể đã ngã xuống khi chưa chứng kiến được niềm vui ngày chiến thắng.

Tròn 60 năm chiến thắng, Điện Biên Phủ là nơi trở về của những cựu binh. Ảnh: Minh Triều

Những anh hùng “đầu nung lửa sắt”

Tiếng súng, tiếng bom giờ đã đi vào trong ký ức nhưng vết tích chiến tranh vẫn còn đó, nhưng những đau thương mất mát không bao giờ xóa mờ trong ký ức của người chiến sĩ Điện Biên. Mặc dù đã bước sang tuổi 83 nhưng mỗi khi nhắc đến trận đánh đồi A1, cụ Hoàng Văn Bảy (tổ 1, phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ), cụ vẫn không ngăn nổi xúc động. Cái khốc liệt của trận chiến là không gì tả nổi. “Tôi vẫn khắc ghi hình ảnh anh cán bộ nuôi quân trong một ngày đơn vị tôi (Trung đoàn 174, Đại đoàn 316-N.V) tiến đánh trên đồi A1. Theo nhiệm vụ, mỗi bữa anh phải gánh lên chiến hào 90 nắm cơm cho đồng đội.

Trưa hôm ấy, gánh cơm vẫn đủ nhưng… chỉ có 9 người nhận cơm. Số cơm còn lại anh phải gánh trở về. Đồng đội anh phần bị thương chuyển về tuyến sau, phần đã mãi mãi chẳng thể ăn được nắm cơm anh nấu nữa. Kiều (tên người chiến sĩ nuôi quân) vừa khóc, vừa gánh cơm trở về. Và kể từ đó, anh xin thôi nhiệm vụ nuôi quân, xung phong lên chiến trường trả thù cho đồng đội”-ông Bảy, ngậm ngùi kể.

Nhiều bạn trẻ đến với Mường Phăng-nơi đặt sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Minh Triều

Tự hào là người tham gia trận đánh mở màn cho chuỗi chiến thắng lịch sử ngày ấy, ông Nguyễn Hữu Chấp-tổ dân phố 20, phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ-chia sẻ: Cứ điểm Him Lam là cụm cửa ngõ phía Đông Bắc lòng chảo Điện Biên Phủ hướng từ Tuần Giáo vào Điện Biên gồm 3 quả đồi như ba chân kiềng được bố trí rất kiên cố, hỗ trợ lẫn nhau. Cứ điểm này được quân Pháp cho là “cánh cửa thép bất khả xâm phạm”, chúng thách thức bộ đội ta đánh vào đấy.

“Lúc đó, đơn vị chúng tôi (Trung đoàn 209, Đại đoàn 312) quyết tâm đè bẹp sự kiêu căng về binh hùng tướng mạnh, vũ khí hiện đại của địch. Có thắng trận đầu này thì mới động viên toàn quân của chiến trường. Và chỉ trong vòng từ 17 giờ cho đến 22 giờ 30 phút đêm 13-3-1954 là chúng tôi giải quyết xong 3 điểm đồi ở cứ điểm Him Lam, tiêu diệt hơn 300 tên lính lê dương thiện chiến”-người Khẩu đội trưởng cối 82 ly năm xưa nói, giọng đầy tự hào.

Một góc Mường Phăng hôm nay. Ảnh: Minh Triều

Cụ Chấp cho biết, trong trận đánh này Anh hùng Phan Đình Giót đã hy sinh khi lấy thân mình bít lỗ châu mai, lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” đã được cắm lên trên cứ điểm Him Lam trong trận đánh đầu tiên của chiến dịch Điện Biên Phủ. Tiếp đến, đêm 30 và 31-3, sau khi chiếm cứ điểm đồi D1, rồi đến đồi E1, E2… quân ta bố trí pháo 75 ly trên những điểm cao này bắn thẳng vào khu trung tâm sân bay Mường Thanh, cầu Mường Thanh. Cứ thế ròng rã suốt 1 tháng 4 ngày chiến đấu ác liệt, pháo phản pháo cả ngày lẫn đêm, chỉ có lửa và khói, nhiều chiến sĩ nằm xuống khi còn chưa biết đến tên nhau, người này ngã xuống thì người khác thay thế. “Cho đến chiều 7-5, khi hay tin tướng Đờ-cát và bộ tham mưu bị bắt, tôi cùng một số đồng đội đã chạy bộ từ đồi E2 qua cầu Mường Thanh lao đến khu vực sân bay Mường Thanh nơi quân ta đang reo hò chiến thắng”- cụ Chấp kể.

... Đã 60 năm trôi qua, những chiến sĩ Điện Biên hôm nay trên mọi miền đất nước đang hướng về Điện Biên Phủ nơi lập nên kỳ tích vang dội một thời. Trên con đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bằng lăng rực rỡ sắc tím như chào đón những chiến sĩ Điện Biên năm xưa quay về để cùng hát vang bài ca chiến thắng “9 năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”.

Lê Hòa-Minh Triều

Có thể bạn quan tâm