Phóng sự - Ký sự

Bài cuối: Angkor Wat-kinh đô xưa rực rỡ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hiền hòa và thân thiện với những nụ cười trong lành nở trên môi từng người dân. Campuchia là quốc gia hiếm hoi trên thế giới còn lưu giữ vẻ mộc mạc và thuần hậu đặc trưng văn minh lúa nước; mặc cho những tương phản và mâu thuẫn đặc biệt trong lịch sử phát triển của mình.


Bỡ ngỡ ban đầu

Chúng tôi ngủ lại một đêm tại biên giới Thái Lan rồi bắt xe để đến cửa khẩu PoiPet-Campuchia. Đặt chân lên lãnh địa Campuchia, trước mắt là một cảnh tượng của quá khứ. Những chiếc xe kéo còn dùng sức người la liệt trên lối đi. Những mặt người nâu xỉn thẫn thờ, tóc bết từng mảng, chen lấn nhau trái ngược hẳn với những tòa nhà, những sòng bài sang trọng nằm ngay bên cạnh.
 

Đền Angkor Thom. Ảnh: L.V.T

Chưa hết bồi hồi thì một thanh niên người Campuchia, nói lơ lớ tiếng Việt tới làm quen và dắt chúng tôi làm thủ tục nhập cảnh. Thấy hải quan tự động ghi Passport cho mình, chúng tôi khá cảm động, nhưng ghi xong thì hai hải quan nói bằng giọng Việt lờ lợ “Cho bao nhiêu thì cho” Chúng tôi đành gửi 100 baht để tiếp tục đi vào trong.

Làm xong thủ tục, cả đám đông vây lấy chúng tôi. Một cô người Việt, với vẻ mặt rất cảm thông với đồng hương bảo: “Đồng hương chị không lừa tụi em đâu!” rồi chỉ cho chúng tôi xe đi Siem Reap, mà tính sơ qua thì mất gần ba triệu tiền xe cho 150 km. Nghe chúng tôi bàn việc đổi tiền thì cô vội vàng chạy trước, dắt vào một tiệm gần đấy. Ngần ngại, chúng tôi đi thẳng, ai nói gì cũng lắc đầu không dám lại gần, đi mệt cũng không dám ngồi nghỉ. Cuối cùng, chúng tôi cũng đón được ô tô bốn chỗ chở thẳng tới Siem Reap với giá 15 USD/4 người, mà không bắt khách dọc đường.  

Thánh linh bí tích đền đài 
 
Nhóm chúng tôi có hai nam, qua Thái thì họ nhầm là người Thái, đến Campuchia thì lại bị nhầm là người Campuchia. Khi mua vé, bên bán vé nói đi nói lại là người Campuchia thì không cần mua, phải đưa Passport ra thì cô bán vé mới bán cho chúng tôi. Buổi chiều, chúng tôi đến đền Phnom Bakheng. Ngôi đền này nằm trên đỉnh núi, là một nơi lý tưởng để ngắm cảnh hoàng hôn, nên mỗi ngày có hơn 3.000 lượt khách leo lên để ngắm hoàng hôn.

Khi lên đền, khách du lịch phải mặc đồ qua đầu gối. Tôi và một nhóm khách du lịch Tây bị chặn lại do mặc quần sọc, may nhờ có bé Sơn nhanh trí lấy khăn quàng cổ quấn quanh tạo thành cái váy ngộ nghĩnh, còn các bạn Tây thì quay lại cổng mua quần để mặc. Thế mới biết, dù đất nước Campuchia rất cần khách du lịch đến viếng thăm di tích của họ để thu ngoại tệ, nhưng không có nghĩa đánh mất đi sự tôn nghiêm và trang trọng nơi linh thiêng. Về vấn đề này thì Việt Nam mình còn quá dễ dãi trong cách ăn mặc khi đi vào những nơi tín ngưỡng, thờ cúng trang nghiêm.
 

Đền Angkor Wat. Ảnh: L.V.T

Sáng sớm, chúng tôi đi thăm quần thể Angkor. Rút kinh nghiệm tôi chọn chiếc váy dài chấm đất để mặc. Điểm đến đầu tiên là Angkor Wat. Đền có lối vào theo hướng chính Tây, buổi sáng hơi sương vẫn còn đọng trên mặt nước im ắng. Angkor Wat soi mình in trên mặt hồ càng làm cho vẻ đẹp trở nên huyền bí.

Angkor Wat tuy không là đền đẹp nhất, nhưng là nơi được bảo quản cẩn trọng hơn cả. Kiến trúc cổ qua bao thế kỷ mà tất cả như còn nguyên vẹn, những hình phù điêu được trạm trổ sống động. Toàn bộ ngôi đền có hào rãnh bao bọc. Khu đền chính có gần 400 gian phòng với nghệ thuật chạm khắc đá trên trần phòng, hành lang, các lan can... thể hiện sức mạnh phi thường và bàn tay điêu luyện của người Khmer cổ đại. Ban đầu để thờ thần Visnu của Ấn Độ giáo, về sau, khi vương triều Khmer theo Phật giáo, Angkor Wat trở thành linh đền thờ Phật. Angkor Wat bị rừng già vây phủ, rơi vào quên lãng, được khám phá lại vào năm 1860 bởi Henri Mouhot. Kiến trúc và điêu khắc của Angkor Wat và Wat Phou của Lào như được cùng một thời điểm, khá giống nhau nếu đặt hai bức ảnh bên cạnh mà so sánh.

Vẫn còn ngây ngất vì vẻ đẹp của Angkor Wat, chúng tôi đến Bayon, ngôi đền nằm ở trung tâm Angkor Thom, bao gồm 54 tháp lớn nhỏ trên mỗi tháp đều có điêu khắc khuôn mặt của thần Avalokitesvara (Quán Thế Âm Bồ tát). Cấu trúc của Bayon gồm ba tầng mà cả ba tầng đều đổ nát nhiều, gạch đá nằm ngổn ngang khắp nơi. Ở đây du khách rất thích chụp hình nghiêng người, canh hình để cho mũi của mình đụng với mũi của tượng.  
 

Đền Bayon. Ảnh: L.V.T

Đến Ta Prohm, ngôi đền được xây nhằm tưởng nhớ đến mẹ của nhà vua Jayavarman VII. Ngôi đền này hiện hư hỏng khá nặng, hình thù ban đầu dường như không còn do sự tàn phá của các loại rễ cây cổ thụ. Và cũng chính điều này tạo cho đền Ta Prohm một sự cuốn hút đặc biệt. Những rễ cây phải đến chục người ôm, ngoằn ngoèo như những con rắn uốn lượn chầu hầu quanh đền, càng làm cho đền thêm một vẻ kỳ bí, huyễn hoặc. Dưới ánh mặt trời, nhìn từ dưới lên, thân cây tung như được dát vàng lấp lánh.

Các công trình kiến trúc này một số đã bị hư hỏng nặng phải chống bằng dàn giáo. Nhưng họ không hấp tấp trám xi măng vào chỗ lồi, chỗ lõm, không đồng bộ như những tháp Chăm của Việt Nam. Những phiến đá này được đo đạc kỹ càng bằng với kích cỡ phiến đá của công trình. Phiến đá để bên ngoài cho thời gian ăn mòn tạo rong rêu rồi mới lắp vào. Tạo thành một tổng thể hài hòa, ta không nghĩ rằng đó là trùng tu mà là một công trình thật sự.

Tạm biệt vùng đất thiêng đầy bí tích, chúng tôi trở về Việt Nam sau hơn nửa tháng lang thang. Chúng tôi đã đi và đã đến. Vết chân đã in dấu khắp Đông Dương nhiều huyền thoại mà lòng bọn người trẻ tuổi liều lĩnh dường vẫn còn chưa thôi háo hức.      

Lê Vi Thủy

Có thể bạn quan tâm