(GLO)- Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, rừng tự nhiên dù nghèo kiệt đến đâu thì giá trị đa dạng sinh học vẫn gấp nhiều lần rừng trồng. Vì vậy, Nhà nước cần nhanh chóng triển khai các dự án khôi phục và phát triển rừng tự nhiên.
Còn nhiều mối bận tâm
Theo ông Nguyễn Nhĩ-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, giữ rừng lâu nay là công việc hết sức cam go. Diện tích rừng của Gia Lai rất lớn, phân bố rộng, ở vùng sâu, vùng xa, địa hình chia cắt. Tỉnh có gần 200 ngàn ha rừng do cấp xã quản lý nhưng họ không có trách nhiệm rõ ràng. Kiểm lâm địa bàn thực ra chỉ dừng lại ở việc tham mưu cho xã triển khai kế hoạch, giải pháp bảo vệ rừng nhưng lực lượng thì quá mỏng. Có xã quản lý đến 12-13 ngàn ha rừng nhưng chỉ có 1 kiểm lâm viên. Bên cạnh đó, phương tiện, điều kiện làm việc, ăn ở cũng rất hạn chế, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Lực lượng Kiểm lâm tuần tra tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng (huyện Kbang). |
Bên cạnh đó, các ban quản lý, các công ty lâm nghiệp chưa thực sự phát huy vai trò chủ rừng. Về vấn đề này, hội nghị sơ kết công tác sắp xếp, đổi mới công ty nông-lâm nghiệp năm 2015-2016 và giải pháp đến năm 2020 diễn ra vào tháng 7- 2016 do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì khẳng định, hoạt động của các công ty lâm nghiệp chưa có kết quả. Tổng số lỗ lũy kế trong 3 năm 2012-2014 của các công ty nông-lâm nghiệp là 1.071 tỷ đồng, chiếm 4% vốn chủ sở hữu. Và khi đóng cửa rừng tự nhiên thì cuộc chiến bảo vệ rừng sẽ rất gay go bởi hàng năm, tỉnh chỉ hỗ trợ tiền quản lý bảo vệ rừng phòng hộ, còn rừng tự nhiên và rừng sản xuất thì chủ rừng phải tự tìm nguồn kinh phí. Nhiều công ty lâm nghiệp cho rằng kinh phí tỉnh cấp cho nhiệm vụ bảo vệ rừng chỉ đáp ứng 50% nên rất khó khăn về tài chính cũng như quản lý bảo vệ rừng.
Cũng theo ông Nhĩ, với các hành vi vi phạm, việc xử lý hành chính là tương đối nghiêm, nhưng truy tố xét xử chỉ khoảng 30% số vụ thì không đủ sức răn đe. Trên thực tế nhiều vi phạm rất khó xử lý vì nhiều lý do, nhất là khi nó liên quan đến tập quán người dân tộc thiểu số, tình trạng di dân tự do. Hành vi phá rừng của dân di cư tự do thường lén lút. Họ phá rừng ở nơi xa xôi, hiểm trở, ít ai chú ý, sau khi đã có đất, có kết quả trồng tỉa mới đưa người thân, dân bản vào theo làm ăn sinh sống. Muốn ổn định thì phải quy hoạch lập vùng, phải giải quyết rất nhiều vấn đề để đảm bảo an sinh. Huyện Kông Chro, Krông Pa, Chư Prông là những địa phương mất rừng do tình trạng di dân tự do.
Nan giải nhất là vì lợi nhuận cao từ gỗ, nhiều tổ chức, cá nhân lén lút hoặc cố tình vi phạm, trong khi văn bản quy định, chế tài xử lý còn lỏng lẻo, sơ hở, có đấu tranh nhưng khó chấm dứt.
Quyết liệt giải pháp
Ngày 14-12-2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt đề án tăng cường công tác quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên giai đoạn 2014-2020. Sau quyết định này, hoạt động khai thác gỗ rừng tự nhiên buộc phải dừng lại. Cùng thời điểm, Chính phủ ban hành Nghị định 118/NĐ-CP ngày 17-12- 2014 về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông-lâm nghiệp, cũng chính là tìm giải pháp giữ rừng.
Lo ngại các tỉnh Tây Nguyên chuyển đổi rừng ồ ạt để trồng cao su, Chính phủ đã có Chỉ thị 1685/2011/CT-TTg tạm dừng việc trồng cao su, tiến hành rà soát đánh giá và báo cáo Chính phủ. Các bộ ngành cũng đã nhiều lần làm việc với tỉnh về nội dung này. Liên tục tại các kỳ họp HĐND tỉnh, nhất là kỳ họp cuối của nhiệm kỳ 2011-2016, nhiều vấn đề liên quan đến những tồn tại trong việc chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su cũng được các đại biểu phân tích, chất vấn gay gắt, tập trung vào tính hiệu quả của chương trình, trách nhiệm của chính quyền địa phương, cam kết của doanh nghiệp trong xây dựng cơ sở hạ tầng, thu nhận lao động...
Giữ rừng đã trở thành nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cấp ủy và chính quyền, đoàn thể các cấp. Lãnh đạo tỉnh liên tục thị sát kiểm tra tình hình và chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các huyện có rừng như Đức Cơ, Chư Prông, Ia Grai, Kbang tăng cường bảo vệ rừng. Đích thân Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang dẫn đầu đoàn công tác tiến hành khảo sát và kiên quyết từ chối ý tưởng làm thủy điện trong Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng (huyện Kbang), đồng thời có văn bản gửi Chính phủ đề nghị không cấp phép cho dự án này.
Tại hội nghị bàn giải pháp bảo vệ bền vững rừng Tây Nguyên, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc, phấn đấu đến năm 2020 nâng độ che phủ của rừng lên 59%. Cũng theo Thủ tướng, các địa phương xây dựng phương án giao một lực lượng chuyên trách chủ trì thực hiện điều tra, truy bắt các băng nhóm phá rừng, tiêu thụ gỗ rừng. Trách nhiệm của kiểm lâm địa bàn phải được làm rõ, tránh tình trạng “Cha chung không ai khóc”. Nhìn về tương lai, Thủ tướng chỉ đạo: Diện tích cà phê, cao su và cây công nghiệp của ta tương đối lớn, vì vậy nên đi vào thâm canh, đầu tư công nghệ cao để tăng chất lượng, giá trị cây trồng chứ không phải cứ mở rộng tràn lan để tăng diện tích, sản lượng.
Thủ tướng cũng yêu cầu các thủy điện phải trồng rừng thay thế, chi trả dịch vụ môi trường rừng và kiên quyết thu hồi giấy phép những thủy điện không chấp hành. Các cấp, các ngành, địa phương phải nghiên cứu thực hiện cơ chế chính sách để người ở dưới tán rừng, người có đất rừng đủ sống.
Với riêng Gia Lai, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 4-2-2016 về việc tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn. Trong đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; chỉ đạo chính quyền cấp xã nâng cao vai trò trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng; Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm về diện tích rừng được giao quản lý trên địa bàn. Công văn số 3153/UBND-NL ngày 8-7-2016 của UBND tỉnh sau đó có nội dung không đề xuất chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích rừng tự nhiên hiện có trên địa bàn tỉnh, thực hiện nghiêm chủ trương dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên. Và từ tháng 6-2016, khu vực rừng giáp ranh 3 tỉnh Gia Lai, Phú Yên và Đak Lak có thêm lực lượng bảo vệ rừng thuộc ban quản lý của 5 xã giáp ranh (mỗi xã có 4 người tham gia).
Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin dẫn ý kiến của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hà Công Tuấn: Phải thực hiện đúng pháp luật, nghiêm túc, quy rõ trách nhiệm của các chủ rừng, các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng. Để không bị mất rừng thì phải có chủ rừng thực sự. Phải công bằng trong trách nhiệm và quyền lợi khi nói đến rừng, chứ không phải rừng chỉ để làm giàu cho một số đối tượng!
Nhóm P.V kinh tế