Phóng sự - Ký sự

Bài cuối: “Có một miền nhung nhớ chẳng nguôi ngoai...”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cuộc gặp mặt của cựu thanh niên xung phong (TNXP) tháng 10-1975 đi xây dựng Tây Nguyên diễn ra thật cảm động tại TP. Kon Tum (tỉnh Kon Tum) vào ngày 10-10, ngày mà cách đây 35 năm họ bắt đầu đặt chân đến miền đất hoang sơ đầy nắng gió.  
Có một miền “giữa trăm miền đất nước”
Một đoàn xe đưa những người TNXP trẻ trung xưa kia- nay đã lên chức ông, bà- về thăm lại những cung đường ngày xưa đã mở tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Tất cả đều xôn xao, tíu tít như ngày đầu. Bà Võ Thị Miên Trường (Đồng Nai) nao nao nhìn con đường tráng nhựa phẳng phiu dẫn đến vùng đất nay là khu du lịch nghỉ dưỡng Măng Đen nổi tiếng: “Ngày chúng tôi đến, con đường này chỉ là đường mòn nhỏ xíu”. Ít ai biết rằng, chính TNXP là những người đã dầm mình trong nắng bụi, mưa bùn để khai thông từng mét đường, từng thành ta-luy vững chãi như bây giờ.
Và cũng không ai đếm nổi có bao nhiêu mồ hôi, máu, nước mắt nhớ nhà đã rơi xuống cung đường này. Đây cũng là nơi đánh dấu mối tình đầu, cũng là… tình cuối của cô Miên Trường với người bạn đời Nguyễn An Lực. “Có lần, khi đang làm đường ở đoạn này, anh Lực bị tuột dây lăn từ trên ta-luy xuống, may là không bị thương nặng. Tự nhiên lúc đó mình thấy rất thương”. Niềm cảm mến, sự khâm phục lẫn nhau trong lao động đã gắn kết họ thành một đôi. Công trường này cũng đã là chứng nhân cho nhiều mối tình đẹp đẽ khác, kể cả những mối tình đơn phương mà đến tận… 35 năm sau mới được người trong cuộc nói ra.
 
Hát vang những bài ca truyền thống. Ảnh: P.D
Ngang cầu Kon Rẫy, nhiều người cũng không khỏi chạnh lòng khi cây cầu cũ đã bị nước lũ cuốn trôi. Một cây cầu khác chắc chắn hơn đang được dựng lại, nhưng những hoài niệm vẫn còn đó: Nhọc nhằn mồ hôi công trường và rộn rã tiếng cười tuổi trẻ. Bao nhiêu kỷ niệm chợt sóng sánh tràn về, không dễ gì quên được. Cho nên hai câu thơ da diết của ông Hoàng Công Lộc, hiện sống tại TP. Kon Tum, cũng chính là tâm tư của bao người TNXP: “Em có biết giữa trăm miền đất nước/Có một miền nhung nhớ chẳng nguôi ngoai…”. “Miền nhung nhớ” ấy đã kéo bà Nguyễn Thị Bích Nữ, đang sống cách đó nửa vòng trái đất (Mỹ) nhưng năm nào cũng tranh thủ sắp xếp thời gian để được trở về tham dự ngày họp mặt truyền thống 10-10. “Nhớ bạn bè, đồng đội cũ quá! Lòng tôi rộn ràng xao xuyến với biết bao kỷ niệm cũ…”- bà chia sẻ.
Thủy chung “mối tình đầu”
“Tình đồng đội đẹp lắm, đẹp và thắm thiết như… mối tình đầu”- một cựu TNXP đúc kết. Càng đẹp hơn nữa khi tình cảm đó vẫn thiêng liêng, gắn kết cho đến tận hôm nay.
Cởi chiếc áo TNXP để trở về đời thường, tất cả đều tất bật, dãi dầu với cuộc mưu sinh, có người biệt tăm đến nỗi đồng đội tưởng đã chết rồi. Vậy nhưng, mỗi người một phận, “chỉ có khoảng 1/3 trong số chúng tôi là có cuộc sống ổn định về vật chất, số còn lại đều long đong, khó khăn lắm”- bà Ngọc Mai (Đak Nông) trăn trở. Ngày lên đường đi Tây Nguyên đa số họ còn là học sinh, khi trở về sau nhiều năm lăn lộn công trường mưa nắng thì lại lỡ dở nhiều thứ: Không bằng cấp, không chuyên môn nên đành phải bươn chải với cuộc sống hàng ngày bằng đủ thứ nghề, có người phải chạy xe ôm, ba gác, thợ nề, “thợ đụng”… “Chính vì vậy, tâm nguyện của tất cả chúng tôi là cùng giúp nhau, chia sẻ cùng nhau những khó khăn, bỏ đi mọi toan tính. Ai có thì đóng góp tùy tâm chứ không phân biệt giàu nghèo, quyền chức, tất cả đều đến với nhau bằng tình cảm thiêng liêng nhất”- ông Trần Văn Giảng- Trưởng ban Liên lạc Cựu TNXP tháng 10-1975, chân tình nói. Từ nhiều năm nay, Ban Liên lạc đã đóng góp và hỗ trợ những đồng đội còn khó khăn mua xe máy, xây nhà, khám- chữa bệnh… với kinh phí lên đến hơn 1 tỷ đồng.
Có mặt trong buổi hội ngộ, ông Đào Văn Quý- hiện là Ủy viên Ban Liên lạc Hội cựu TNXP quận Gò Vấp (TP. Hồ Chí Minh), đơn vị kết nghĩa với TNXP tháng 10-1975, cho biết: “Từ năm 1976, đã có khoảng 50.000 lượt đội viên của TP. Hồ Chí Minh tham gia phong trào TNXP ở các vùng ven thành phố và các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ. Với những đóng góp của mình, lực lượng TNXP TP. Hồ Chí Minh đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang”. Về tương quan, lực lượng TNXP đi xây dựng Tây Nguyên là quá ít ỏi so với một phong trào rộng khắp như ở TP. Hồ Chí Minh; về chế độ thì đến nay TNXP tháng 10-1975 vẫn bị “bỏ quên”, chưa được công nhận chính thức, chưa có một sự ghi nhận xứng đáng của Nhà nước. Song, ông Quý vẫn đầy lòng trân trọng khi nói về những người bạn kết nghĩa: “Đã là TNXP thì ai cũng xác định cống hiến, hy sinh, đã mặc màu áo TNXP thì sự gian khổ đều như nhau, chỉ có tính chất, quy mô khác nhau”.
Không khỏi chạnh lòng khi biết rằng, trong số gần 4.000 TNXP thời ấy hiện chỉ còn khoảng 800 người đang sinh hoạt trong các chi hội trực thuộc Ban Liên lạc TNXP tháng 10-1975, những người còn lại hoặc đã mất, hoặc đã lưu lạc nhiều nơi. Nhưng, trong lẽ đời ấm lạnh, như ông Trần Văn Giảng- người lúc nào cũng nặng lòng vì đồng đội... tâm sự.
Phương Duyên

Có thể bạn quan tâm