Phóng sự - Ký sự

Bài cuối: Xanh ngát chiến trường xưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tháng 4 này, trở lại đường 7 năm xưa, dấu tích chiến tranh giờ đã bị thời gian xóa nhòa, thay vào đó là những buôn làng trù phú, những thị trấn, thị tứ sầm uất nối tiếp mọc lên giữa màu xanh bạt ngàn của lúa, mì, bắp. Cầu Kà Lúi, cầu Lệ Bắc, đèo Tô Na, sông Bờ… một thời gieo rắc nỗi kinh hoàng cho kẻ thù và ôm lấy gánh nặng chiến tranh tàn phá, giờ đã trở thành miền đất lành cho cuộc sống ấm no.
Sức sống kỳ diệu của vùng “đất khát”
Điểm đầu của Gia Lai tính từ Phú Yên lên là buôn Thức, buôn Sai thuộc xã Chư Ngọc (huyện Krông Pa) nằm tiếp giáp với cầu Kà Lúi (chiến trường ác liệt năm xưa) mới được tái định cư sau khi di dời từ vùng ngập của lòng hồ thủy điện Sông Ba Hạ. Hơn 320 hộ đồng bào dân tộc Jrai ở cả 2 buôn được Nhà nước hỗ trợ di dời nhà cửa, làm đường, trường học, kéo điện thắp sáng, san ủi đồng ruộng.
Ảnh: T.D
Trưởng thôn buôn Sai- ông Ksor Suông ở trong một căn nhà xây khang trang, bên góc sân dựng tạm nhà kho để chứa máy cày, công nông và dụng cụ sản xuất. Ngồi trước hiên hóng gió chiều từ suối Kà Lúi hắt lên mát rượi, ông Suông thủng thẳng nói: “Buôn Sai có 272 hộ, 1.284 khẩu, lớn hơn buôn Thức. Buôn có 300 ha lúa. 250 ha mì được mùa, được giá, nên mỗi ha có lời 10-15 triệu đồng, nhà nào cũng có tiền”.
Ở vùng “đất khát” Krông Pa, trồng trọt chỉ là thứ yếu. Ông Rơ Ô Mul- một nông dân sản xuất giỏi của buôn Sai nói: “Tài sản lớn nhất của buôn là 2.000 con bò. Nhà ít có dăm ba con, nhà nhiều có đến năm sáu chục con. Cả buôn Sai có chừng 50 hộ thu nhập mỗi năm dăm bảy chục triệu đồng nhờ nuôi bò”. Chăn nuôi bò không chỉ là thế mạnh của buôn Sai mà là của cả huyện Krông Pa. Ông Đinh Xuân Duyên- Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: “Toàn huyện hiện có 55.000 con bò, một con số đáng nể đối với nhiều địa phương trong cả nước”.
35 năm sau ngày giải phóng, các “ấp chiến lược” dọc đường 7 năm xưa giờ đã phát triển thành những khu dân cư trù phú. Ngã ba Ia Rsai đã mang dáng dấp của một thị tứ đông đúc. Phía bên kia cầu Sông Bờ, nhà cửa đã mọc lên san sát. Thị xã Ayun Pa, một đô thị cấp IV trẻ trung năng động nơi ngã ba sông đang vươn mình thành trung tâm kinh tế-xã hội của vùng Đông Nam tỉnh. Những dãy phố dài dọc theo đường 7 năm xưa bị máy bay, đạn pháo của địch bắn phá tan hoang, thiêu cháy thành tro tàn giờ đã san sát nhà tầng, nhà xây sầm uất.
Bí thư Thị ủy Ayun Pa- ông Châu Ngọc Tuấn nhìn nhận: Với sự đồng sức đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn, mọi mặt đời sống của thị xã Ayun Pa đang trên đà phát triển ổn định. Đường Trường Sơn Đông đi qua thị xã đang được gấp rút xây dựng; quốc lộ 25 đang được đầu tư nâng cấp toàn tuyến kéo dài từ ngã ba huyện Chư Sê xuống tận thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) sẽ là huyết mạch giao thông quan trọng giúp kết nối vùng nguyên liệu cây công nghiệp và nông sản rộng lớn của Bắc Tây Nguyên với Duyên hải Nam Trung bộ, miền Đông Nam bộ.
Có một đồng bằng trên cao nguyên
Phía dưới đèo Chư Sê, năm 1992, công trình đại thủy nông Ayun Hạ hoàn thành có sức tưới 13.500 ha. Hệ thống kênh chính Bắc, Nam và mạng lưới kênh mương nội đồng ngày càng vươn xa, đất đai ở Phú Thiện, Ia Pa, Ayun Pa như vỡ ra, cây cối nảy mầm, xanh tốt.
Sự đổi đời của người dân nơi cánh đồng Ayun Hạ gắn liền với tên tuổi của Đinh Nhiêu và Rơ Mah Ét. Hơn 15 năm trước, vợ chồng Rơ Mah Ét ở thôn Knông A, thị trấn Phú Thiện sống trong căn nhà rách nát, bầy con nheo nhóc, bữa đói bữa no. Từ khi có nguồn nước Ayun Hạ, Ét được bày cách trồng lúa nước, nuôi cá. Với tính cần mẫn lao động, chẳng bao lâu Ét đã có lúa đầy nhà, không chỉ đủ ăn mà còn bán đi mua sắm nhiều phương tiện sinh hoạt như ti vi, xe máy. Thậm chí Ét còn hùn tiền với Ksor Len, Rơ Mah Plik và vận động bà con trong buôn làm kênh mương và trạm bơm để tự đưa nước Ayun Hạ vào các chân ruộng cao. Nhờ Ét tích cực vận động, đồng bào Jrai học cách gieo trồng mà cây lúa nước đã ăn sâu bám rễ ở vùng các xã hạn phía Nam huyện Phú Thiện. Cây lúa đã không phụ công người. Ông Ét, ông Len, ông Plik giờ đã là tỉ phú.
Thu hoạch lúa trên cánh đồng Phú Thiện. Ảnh: Đ.P
Còn Đinh Nhiêu ở làng Kte Lớn, xã Ia Yeng, nguyên là Tiểu đội phó của Huyện đội H11 (Gia Lai) trực tiếp tham gia truy kích địch trên đường 7 năm xưa, được xem như một người mở đầu cho công nghệ trồng lúa nước đối với đồng bào Jrai ở các xã phía Bắc huyện Phú Thiện. Từ khi được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã Ia Piar, ông đã mày mò tự vẽ bản thiết kế mô hình ruộng nước với hệ thống kênh mương, trạm bơm điện bằng vốn kiến thức về bình độ học được từ thời làm xạ thủ pháo binh trong quân đội và những kinh nghiệm tận thấy những cánh đồng lúa nước vàng ươm ở tỉnh Bình Định khi đơn vị hành quân qua đây. Cánh đồng 15 ha làm xong, ông vận động dân làng cùng làm, vụ đầu cho năng suất đạt 5 tạ/sào, gấp 5 lần lúa rẫy.
Bây giờ, Rơ Mah Ét đã là Chủ tịch UBND thị trấn Phú Thiện, còn Đinh Nhiêu là Chủ tịch Hội Nông dân huyện. Vựa lúa quê họ với tổng diện tích hơn 10.000 ha cũng đã khẳng định được uy thế của vùng chuyên canh lúa lớn nhất Tây Nguyên.
Hạt lúa đã tạo ra kỳ tích trên cánh đồng Ayun Hạ. Ông Rơ Mah Son- Trưởng thôn Mil, xã Ia Sol (huyện Phú Thiện) khẳng định: “Không riêng gì làng mình, khắp các buôn làng ở thung lũng Ayun Hạ này đều có xe công nông, máy xới đất. Những hộ khá giả mùa về có trên vài trăm bao lúa…”.
Mùa thu hoạch lúa đông Xuân đang về. Trên quốc lộ 25, từng đoàn xe cơ giới miệt mài chở lúa bon bon hướng về làng. Tiếng cười nói giòn tan vang vọng trên đồng lúa vàng ươm ngày được mùa.
Nhóm PV Chính trị- Xã hội

Có thể bạn quan tâm