Bài thuốc hay từ quả quýt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Không những thơm ngon, trong y học cổ truyền quýt còn được dùng làm vị thuốc rất hay.

Nhiều công dụng

Theo lương y Phạm Như Tá, từ vỏ quýt đến múi, xơ, hạt quýt đều được dùng làm vị thuốc, có công dụng hay. Trong quýt có tinh dầu, tác dụng làm hưng phấn tim, làm giảm độ giòn của mao mạch máu. Lá quýt có vị đắng, tính bình, tác dụng trợ can, hành khí, tiêu thủng, tan u cục, dùng trong các chứng đau mạng sườn, đau vú. Múi quýt nhiều dinh dưỡng, như: đường, protein, lipid, vitamin, a xít hữu cơ, chất khoáng... Những người bị cao huyết áp, bệnh mạch vành, đau dạ dày, suy dinh dưỡng, cơ thể suy nhược sau khi ốm, dùng quýt rất tốt. Xơ quýt có vị đắng, tính bình, có công dụng điều hòa khí, làm tan đàm, thông kinh lạc, thường được dùng trong các chứng ho tức ngực. Hạt quýt có vị đắng, tính bình, công dụng điều hòa khí, giảm đau, tan u cục, thường dùng chữa sưng đau tinh hoàn, đau lưng, viêm tuyến sữa...


Vỏ quýt tính ấm, có tác dụng kiện vị, long đàm, trị ho, là vị thuốc điều trị cao huyết áp, công dụng hay đối với các chứng rối loạn tiêu hóa, chướng bụng, kém ăn, buồn nôn, ho đàm nhiều... Khi làm vị thuốc thường dùng vỏ quýt khô, để lâu.
 

 

Một số cách vận dụng

Khi bị cảm mạo, dùng vỏ quýt tươi 30 gr và vị thuốc phòng phong 15 gr, đem nấu với 3 chén nước (750 ml), nấu còn 2 chén. Khi dùng cho vào ít đường cát trắng, chia làm 2 lần dùng trong ngày, lúc còn nóng ấm.


Nếu ho có nhiều đàm, dùng vỏ quýt độ 10 gr cùng vị thuốc xuyên bối 15 gr, tỳ bà diệp 15 gr đem nấu lấy nước uống trong ngày.

Trường hợp bụng bị lạnh, đau thì dùng 6 gr vỏ quýt cùng vị thuốc ô dược 6 gr, 3 lát gừng tươi đem nấu lấy nước dùng trong ngày.

Một số trường hợp ở vùng sâu, nếu bị sưng tinh hoàn chưa có điều kiện đến bệnh viện, có thể dùng hạt quýt và tiểu hồi (hai loại lượng bằng nhau) đem sao vàng tán bột, mỗi lần dùng 4 - 6 gr.

Vỏ quýt xanh có vị đắng, cay, tính ấm, tác dụng trợ can, tiêu tích trệ... dùng trị chứng đau dạ dày, ăn khó tiêu. Cách dùng: lấy 10 gr vỏ quýt còn xanh, 10 gr xơ quýt, cùng 10 gr vị thuốc hương phụ đem nấu cùng 3 chén nước, nấu còn lại 2 chén, chia làm 2 lần dùng hết trong ngày lúc còn nóng ấm.

Nếu bị viêm tuyến sữa, dùng hạt quýt tươi 30 gr cho vào ít rượu trắng, đem sao khô rồi nấu lấy nước uống trong ngày.

Mai Thương (theo Thanhnien)

Có thể bạn quan tâm