Kinh tế

Nông nghiệp

"Bài toán" cây điều trên đất khó

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Theo thống kê, đến cuối tháng 8-2021, toàn tỉnh Gia Lai có trên 21.400 ha điều, tăng gấp đôi so với 10 năm trước và tăng hơn 7.400 ha so với năm 2015. Các địa phương như Ia Grai, Đức Cơ, Krông Pa, Kông Chro… là những vùng trồng điều tập trung.

Đã có thời người ta gọi điều là cây giảm nghèo bởi điều không kén đất, chịu hạn, dễ chăm sóc và đặc biệt là khâu thu hoạch rất thuận lợi. Ngay từ những năm 50 của thế kỷ trước, cây điều đã có mặt trên đất Gia Lai, khẳng định được vị thế của mình trong các loại cây công nghiệp dài ngày cùng với cao su và cà phê. Hàng năm, cây điều mang lại nguồn thu lớn cho tỉnh và góp phần bảo đảm được đời sống nông dân. Thế nhưng, quá trình trồng và phát triển cây điều cũng bấp bênh tương tự nhiều loại cây công nghiệp khác trên đất Tây Nguyên như cao su, cà phê, hồ tiêu. Do nhiều vườn cây bị già cỗi cho năng suất thấp, đồng thời giá điều lại lên xuống bất thường khiến nhiều chủ vườn đã không ngần ngại chặt hạ cây điều để trồng mì, chanh dây… “Số phận” của cây điều Gia Lai cũng khá thăng trầm do phụ thuộc vào giá cả: Tháng 3-2015, giá hạt điều nằm ở mức 24-26 ngàn đồng/kg thì cũng trong tháng 3-2018 vọt lên đến xấp xỉ 45 ngàn đồng/kg. Năm 2019, lại tụt xuống mức 30-32 ngàn đồng/kg và năm nay chỉ còn ở mức 22-25 ngàn đồng/kg. Nhiều chủ vườn tỏ ra lo lắng khi thu hoạch hạt điều không cho lãi cao như nhiều năm trước. Thế nhưng, ngoại trừ vụ thu hoạch khá kéo dài thời gian thì với chi phí đầu tư thâm canh cây điều không nhiều so với các loại cây công nghiệp dài ngày khác, chỉ khoảng 7-10 triệu đồng/ha nên dẫu sao người trồng điều vẫn có lãi.

 Nông dân xã Ia Khai (huyện Ia Grai) thu hoạch điều. Ảnh: Lê Hòa
Nông dân xã Ia Khai (huyện Ia Grai) thu hoạch điều. Ảnh: Lê Hòa
Nhân hạt điều chứa hàm lượng chất béo rất lớn (44,9%), đường 13,48%, canxi 2,49% cùng nhiều hợp chất khác. Điều không chỉ làm thức ăn mà còn có thể ép dầu, vỏ điều chứa đến 23-28% dầu. Trái điều thường không ăn vì vị chát nhưng bên trong nó chứa rất nhiều vitamin C cao gấp 5 lần quả cam, cùng nhiều vitamin B và các khoáng chất khác rất tốt cho sức khỏe. Điều còn được dùng làm rượu nhẹ hoặc nước giải khát lên men…

Chính lợi thế đó đã giúp cây điều nhiều lúc vượt qua được thời vận khó khăn và đứng vững trong đội hình cây công nghiệp dài ngày của cả nước nói chung và Gia Lai nói riêng. Tính đến nay, tổng diện tích cây điều của cả nước đạt trên 300 ngàn ha. Tổng diện tích cho thu hoạch khoảng 280 ngàn ha, sản lượng hạt điều năm 2020 đạt 350 ngàn tấn, năng suất bình quân đạt 1,25 tấn/ha. Năm nay, dự kiến tổng kim ngạch xuất khẩu hạt điều ước đạt 3,6 tỷ USD, sản lượng điều thô là 360 ngàn tấn.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn giữ vị trí số 1 trên thế giới về xuất khẩu hạt điều. Thế nhưng theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), mỗi năm, nước ta vẫn phải nhập khẩu khoảng 1,4 triệu tấn điều thô, 60% trong đó là nhập khẩu từ các nước châu Phi. Do vậy, việc chủ động nguồn nguyên liệu trong nước là vấn đề đáng quan tâm, ảnh hưởng đến việc có mở rộng diện tích trồng điều hay không và tất nhiên là ảnh hưởng đến đời sống của người nông dân. Nếu mở rộng diện tích thì lấy quỹ đất ở đâu và có tạo ra hay không sự cạnh tranh đối với các loại cây trồng đã ổn định như: cao su, cà phê, hồ tiêu và cây ăn quả? Đã vậy thời gian trồng và cho thu hoạch đối với cây điều phải từ 3 đến 5 năm (điều ghép) liệu nông dân có đủ nguồn lực để đầu tư? Đặc biệt, nếu giá hạt điều thô nhập khẩu thấp hơn giá nội địa thì rõ ràng doanh nghiệp sẽ không mặn mà với hạt điều trong nước!

Gia Lai có diện tích điều khá lớn và hiện có 3 doanh nghiệp chuyên thu mua, chế biến hạt điều đều có công suất 5.000 tấn/năm (Công ty TNHH Olam, Long Sơn Ayun Pa và Long Sơn Krông Pa). Bên cạnh đó, hạt điều còn được các cơ sở, người dân chế biến thành sản phẩm tiêu thụ trong nước. Nhiều cơ sở đã xây dựng sản phẩm hạt điều đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh như: Hạt điều A Sanh của Hợp tác xã mật ong Phương Di (huyện Ia Grai), Hạt điều rang củi của Công ty cổ phần hạt điều Hải Bình Gia Lai (TP. Pleiku)… Qua đó, từng bước đa dạng hóa sản phẩm, tạo thêm đầu ra, nâng cao giá trị của sản phẩm, đồng thời góp phần tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Nhiều loại cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả đã có chỗ đứng rất ổn định trong cơ cấu cây trồng của địa phương. Vấn đề đặt ra đối với cây điều Gia Lai tựu trung là giá cả, diện tích, sản lượng và chất lượng. Do vậy, nên chăng tỉnh cần giữ ổn định diện tích hiện có để tập trung vào đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất và chất lượng hạt điều, cho ra nhiều sản phẩm chế biến từ hạt điều, nâng cao giá cả trên thị trường tiêu thụ.

 

THANH PHONG
 

Có thể bạn quan tâm