Xã hội

Gia đình

Bàn về tục cấm lấy người cùng họ của đồng bào Jrai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tộc người Jrai có dân số đông nhất so với các dân tộc bản địa khác ở Tây Nguyên (khoảng 400 ngàn người), tập trung nhiều nhất ở tỉnh Gia Lai. Họ có khá nhiều nét văn hóa độc đáo, trong đó có tập tục lâu đời là cấm lấy người cùng họ.  
Hiện nay, người Jrai theo chế độ mẫu hệ (con gái cưới chồng, trai ở rể). Tập quán này đã mang lại nhiều nét văn hóa khá độc đáo, đi kèm với nó là những tục lệ (luật tục) nhằm bảo đảm và duy trì sự tồn tại, phát triển của một xã hội mẫu hệ.
 Đám cưới truyền thống của người Jrai. Ảnh: K.N.B
Đám cưới truyền thống của người Jrai. Ảnh: internet
Với người Tây Nguyên nói chung và tộc người Jrai nói riêng, việc kết hôn không chỉ nhằm duy trì nòi giống mà còn mang yếu tố xã hội, yếu tố kinh tế và hơn hết là yếu tố “liên minh” dòng họ… Người Jrai có trên dưới 10 tộc họ khác nhau: Ksor, Kpă, Rơmăh, Rahlan, Nay, Siu, Rơ Chăm (hoặc Rơ Châm, Rcom)... Cộng đồng này cho rằng, những người cùng họ đều được sinh ra từ một người mẹ thuở xa xưa; không phải ngẫu nhiên mà những người cùng họ khi mới gặp nhau đã tự nhận là họ hàng (thông qua họ) và đương nhiên “đã cùng một mẹ” thì việc lấy nhau là điều nghiêm cấm tuyệt đối. Họ quan niệm, nếu 2 người cùng họ lấy nhau sẽ làm ông bà, tổ tiên, thần linh nổi giận, gây cháy nhà hoặc cháy làng, hạn hán, mất mùa, dịch bệnh, lũ lụt, lở đất… Chính vì vậy, khi trong làng xảy ra những sự cố, thiên tai như trên, họ tin rằng trong làng có chuyện “loạn luân”, khi bắt được sẽ xử phạt rất nặng. Những người vi phạm điều cấm kỵ ấy bị coi như loài súc vật và phải cúng để tạ lỗi với thần linh, lễ vật để tạ lỗi thuộc về một trong 2 người có lỗi nhiều hơn… Với những vụ xử phạt như thế, người vi phạm phải chịu chi phí ăn uống cho hội đồng già làng, cho người xử phạt, xử càng lâu thì tốn kém càng nhiều.
Cụ thể, khi xảy ra việc 2 người cùng họ lấy nhau, đầu tiên làng sẽ mời hai bên gia đình cùng già làng, người phạt vạ và 2 “phạm nhân” ra xét hỏi, phân định đúng sai trước cộng đồng. Trong khi đó, 2 gia đình có người vi phạm phải làm thịt bò hoặc heo để mời cơm già làng, thầy cúng cùng những người được mời đến phân xử. Việc cúng bái để tạ tội với thần linh diễn ra khá cầu kỳ và nhiều công đoạn; đặc biệt, 2 kẻ “phạm tội” phải quỳ trước dân làng để thực hiện lễ “đâm đùi” (lấy dao đâm vào đùi) và phải ăn đồ cúng trong một cái máng heo, khi ăn không được bốc mà phải cúi xuống ăn (ngụ ý rằng cả 2 chỉ là súc vật). Sau lễ cúng, 2 “phạm nhân” vẫn có thể chung sống với nhau nhưng bị cả làng khinh rẻ, không được tham gia bất cứ hoạt động nào trong làng.
Nhiều già làng kể lại, sau này, tục lệ đó tuy vẫn còn xuất hiện ở một số nơi nhưng cách thực hiện có khác đi, giảm nhẹ, ví dụ như không lấy dao đâm vào đùi mà chỉ lấy một khúc cây chấm vào máu của con vật được hiến tế rồi chấm lên đùi của người vi phạm luật tục. Còn việc ăn trong máng, người vi phạm có thể dùng tay bốc ăn thay vì phải cúi xuống ăn. Thậm chí, nếu như trước đây người ta dùng máng heo rửa sạch rồi cho thức ăn vào thì hiện nay chỉ cần chặt một đoạn ống tre rồi chẻ đôi ra làm máng. Như vậy, so với trước kia, tục cấm kỵ lấy người cùng một họ đã bỏ đi rất nhiều yếu tố phản cảm; các chuỗi hành động xử phạt chỉ mang tính tượng trưng.
Đến nay, các hình thức xử phạt này tuy không còn tồn tại nữa nhưng quan niệm không lấy người cùng họ vẫn rất được coi trọng, người Jrai vẫn thực hiện như “luật bất thành văn” đã in sâu vào tiềm thức. Bằng chứng là hiện nay chúng ta hiếm thấy cặp vợ chồng Jrai nào có cùng họ.  
 NAY KỲ HIỆP

Có thể bạn quan tâm